Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành

Thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Hà Nội và cơ quan hành chính các cấp đã ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều hành. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công của thành phố Hà Nội ngày càng được cải thiện. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Sở Nội vụ Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Không ngừng đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy

Chương trình số 01-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020” đã được UBND thành phố triển khai nghiêm túc. Trong đó nổi bật là phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố đã tăng cường xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu “xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại”, chú trọng triển khai xây dựng chính quyền điện tử.

Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã tiên phong trong công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy. Theo đó, các phòng, ban chuyên môn của các sở, ngành đã giảm 45 phòng, từ 204 phòng xuống 159 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã được thống nhất gồm 12 phòng chuyên môn. Đồng thời, UBND thành phố đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của 22 sở và cơ quan ngang sở, bên cạnh việc sắp xếp 5 ban quản lý dự án từ 26 ban; giảm 73/108 phòng (67,6%), 177/308 trưởng, phó đơn vị và trưởng, phó phòng (57,5%), giảm 143/839 biên chế và giảm được 7/23 trụ sở làm việc (30,4%).

Thành phố cũng đẩy mạnh công tác hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bên cạnh việc đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị. Trong đó, đã hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện giảm từ 206 đơn vị xuống 96 đơn vị. Thành phố cũng phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015, từ đó tạo cơ sở để tin rằng giai đoạn 2015-2021, thành phố sẽ giảm được 19.052 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách.

Mặt khác, việc phân cấp và ủy quyền từ thành phố xuống cơ sở được UBND thành phố đẩy mạnh, nhất là các lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, vệ sinh môi trường. Việc xây dựng, ban hành, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời, có chất lượng. Công tác thanh tra công vụ được tăng cường, góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh về ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp cơ sở. UBND các cấp cũng tích cực tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển du lịch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng...

Ngoài ra, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế “một cửa”, “một cửa" liên thông của UBND thành phố được đẩy mạnh triển khai. Thành phố cũng tích cực chuẩn bị tiền đề để bảo đảm việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội

Những kết quả trong công tác đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy đã giúp hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND thành phố và chính quyền các cấp giai đoạn 2016-2020 được nâng lên. Cải cách hành chính được thành phố triển khai đồng bộ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính; thí điểm kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 khi đạt mức 100%. Qua đó, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm, tiêu biểu như Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) năm 2019 xếp thứ 2 cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2015. Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện dần theo từng năm.

Nhờ những cải cách trong quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp, kinh tế Thủ đô tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước. Thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng và quản lý đô thị có bước tiến bộ. Các vấn đề về an sinh xã hội, việc làm tiếp tục được quan tâm, giải quyết hiệu quả. Những vấn đề dân sinh bức xúc được tập trung giải quyết. Kết cấu hạ tầng đô thị tiếp tục được đầu tư mở rộng. Diện mạo nông thôn đổi mới và khởi sắc toàn diện. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Diện mạo đô thị, kể cả trong nội đô và vùng nông thôn tiếp tục khởi sắc.

Những kết quả nổi bật nêu trên cho thấy, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, từ đó thống nhất nhận thức và hành động với quyết tâm chính trị cao trong việc chủ động nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND và cơ quan hành chính các cấp, có tính chất đón đầu công tác quản lý hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra với thành phố. Kết quả trên mặt công tác này đã tạo hiệu ứng tích cực, toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, là tiền đề để thành phố Hà Nội đặt ra những mục tiêu cao hơn trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xay-dung-dang/979059/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-dieu-hanh