Nâng cao hiệu quả kinh tế các vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ngọt, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Người dân xã Yên Giang (Yên Định) nuôi trồng thủy sản bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, huyện Vĩnh Lộc có 650 ha NTTS. Với diện tích mặt nước phong phú, địa phương đã chủ động định hướng phát triển diện tích nuôi thủy sản nước ngọt hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều xã, thị trấn. Trong 10 tháng năm 2019, toàn huyện đã chuyển đổi 10,6 ha đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang các mô hình lúa - cá - sen; cá - sen - vịt; lúa - cá và một số hình thức nuôi chuyên canh. Nhiều mô hình NTTS lợi nhuận đạt từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng phát triển được 25 trang trại, gia trại NTTS. Bên cạnh các đối tượng đã nuôi ổn định, một số giống mới là ốc, ếch, cua đồng, cá rô đồng... được nhiều hộ dân ở các xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hưng... đưa vào nuôi thương phẩm, góp phần tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế trong NTTS nước ngọt. Ông Tào Quang Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Để nâng cao hiệu quả các vùng NTTS nước ngọt, phòng đã thực hiện rà soát, thống kê diện tích, năng suất, sản lượng NTTS; đồng thời, tham mưu cho UBND huyện ban hành Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Phòng phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh công tác cải tạo ao đầm; tiến hành thả nuôi đúng khung lịch thời vụ NTTS năm 2019 nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh và mùa vụ.

Hiện nay, diện tích NTTS nước ngọt trên địa bàn tỉnh có 13.603 ha, các đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống (trắm, trôi, mè, chép) và hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến. Phần lớn các hộ NTTS vùng nội đồng cơ bản đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, như: Cải tạo ao, ruộng nuôi, thả giống theo đúng mùa vụ, chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi. Nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi thành công diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình nuôi cá lúa kết hợp, nuôi thâm canh cá trong bể xi măng, nuôi cá kết hợp với trồng cây ăn quả... cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài các loại cá truyền thống, để nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, nhiều hộ nuôi đã đưa vào các loại con nuôi, như: Cá trắm đen, ba ba, cá rô phi đơn tính... Tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán nuôi từ quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, NTTS nước ngọt hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cần được khắc phục để phát triển tương xứng với tiềm năng. Đối tượng nuôi tập trung chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép) chiếm đến hơn 95% diện tích và 92% tổng sản lượng. Phương thức nuôi chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và bán thâm canh trong ao, hồ, ruộng trũng. Hạ tầng của nhiều vùng NTTS nước ngọt chưa được đầu tư đồng bộ và theo quy chuẩn, do đó chưa kiểm soát được mối nguy về bệnh dịch, về môi trường và an toàn thực phẩm. Hệ thống thủy lợi tại một số vùng nuôi còn chung với sản xuất nông nghiệp nên việc điều tiết nước phục vụ nuôi thủy sản gặp khó khăn và ảnh hưởng tới năng suất vụ nuôi.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-cac-vung-nuoi-trong-thuy-san-nuoc-ngot/109861.htm