Nâng cao hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính tại cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

TCCS - Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, luôn được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên xác định là một nguồn lực có ý nghĩa then chốt trong công cuộc đổi mới của địa phương. Đặc biệt, việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút, khuyến khích đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được xem là nhân tố quan trọng góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp nhận hồ sơ của công dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Văn Lâm - Nguồn: baohungyen.vn

Thực tiễn cho thấy nếu thủ tục hành chính (TTHC) công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện thì quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức càng dễ được đáp ứng, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước an tâm hơn trong hoạt động đầu tư, khuyến khích kinh tế phát triển theo định hướng, nhờ đó, củng cố niềm tin của nhân dân, các đối tác nước ngoài vào Đảng, Nhà nước. Ngược lại, TTHC rườm rà, phức tạp là trở ngại rất lớn đối với cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận với những chính sách có lợi của Nhà nước. Đây sẽ là nhân tố gây suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền, mặt khác, gây khó khăn cho các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển kinh tế, nếu tình hình kéo dài sẽ gây bất ổn về chính trị, kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Nghị quyết số 38-CP, ngày 04-5-1994, của Chính phủ, về cải cách một bước TTHC trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức đánh giá: “Thủ tục hành chính, trước hết là thủ tục tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân và tổ chức do nhiều ngành, nhiều cấp qui định, vừa thiếu tính đồng bộ, vừa rườm rà phức tạp, thường xuất phát từ yêu cầu thuận tiện của cơ quan có trách nhiệm giải quyết công việc mà chưa quan tâm đầy đủ đến nguyện vọng và sự thuận tiện cho dân”. Chính phủ xác định, cải cách TTHC là nhiệm vụ then chốt, cốt lõi đối với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Để bảo đảm việc triển khai có hệ thống và hiệu quả các nội dung liên quan đến cải cách TTHC, kiểm soát TTHC ra đời với tư cách là một công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách TTHC. Tại Khoản 5, Điều 3, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, ngày 08-6-2010, của Chính phủ quy định, Kiểm soát TTHC được hiểu là việc “xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính”. Theo đó, có thể hiểu, kiểm soát TTHC được coi là một khoa học trong công tác quản lý hành chính công, vì đây là một quy trình chặt chẽ, toàn diện bắt đầu từ kiểm soát quy định về TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến tổ chức thực hiện các TTHC này trên thực tế.

Thẩm quyền ban hành TTHC chỉ thuộc cấp tỉnh. Vì vậy, cấp huyện và cấp xã không có nhiệm vụ kiểm soát việc ban hành quy định TTHC. Do đó, nội dung công tác kiểm soát TTHC ở cấp huyện và cấp xã chủ yếu tập trung vào khâu tổ chức thực hiện các quy định TTHC trên thực tế.

Trong giai đoạn từ 2013 đến nay, công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hưng Yên cơ bản ổn định tổ chức và triển khai đồng bộ, toàn diện từng mặt công tác, bảo đảm tính liên tục, duy trì lề lối và tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo yêu cầu, đòi hỏi mới. Với những kết quả đạt được, trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX cấp tỉnh) năm 2015, chỉ số cải cách TTHC của tỉnh Hưng Yên đạt điểm tối đa 10/10 điểm, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thực hiện công tác cải cách TTHC. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 65 quyết định, với tổng số 3.415 lượt TTHC được công bố (bao gồm TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế và TTHC bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, 2 lĩnh vực là công an và quân sự quốc phòng với 38 TTHC hiện tại được áp dụng tại cấp huyện và 23 TTHC được áp dụng tại cấp xã. Việc tổ chức niêm yết công khai TTHC trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhìn chung được thực hiện kịp thời, đúng theo quy định của Nghị định 63/NĐ-CP. Các Quyết định công bố TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh được đăng tải kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ (www.hungyen.gov.vn). Danh mục và nội dung TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã cơ bản được đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của UBND các huyện, thành phố.Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cấp huyện, cấp xã hiện nay đều có bảng niêm yết công khai TTHC và nội dung, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính. Trên địa bàn mỗi huyện, thành phố đều công khai danh mục và nội dung của 538 TTHC (cấp huyện 364 TTHC, cấp xã 174 TTHC). Tại 161 xã, phường, thị trấn có các bảng gắn trên tường hoặc bảng trụ xoay, bảng di động,... bảo đảm kích thước, tiêu chuẩn để thuận tiện cho việc niêm yết đầy đủ các TTHC và nội dung hướng dẫn về việc gửi phản ánh, kiến nghị.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn cấp huyện, cấp xã của Hưng Yên hiện nay còn những hạn chế, bất cập như: Một số đơn vị chưa thực hiện kịp thời việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính phù hợp với các văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành; TTHC ở không ít lĩnh vực còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; Sự phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết hồ sơ; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa cao... Vì vậy, nhằm thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác kiểm soát TTHC và quy định về cơ chế, quy trình giải quyết TTHC theo hướng bảo đảm cho các quy định của cấp trên được thực hiện trực tiếp mà không cần các văn bản hướng dẫn, thống nhất trong triển khai và vận dụng tại cấp huyện, cấp xã. Tập trung làm rõ nguyên tắc xây dựng quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, quy trình xử lý hồ sơ; trách nhiệm của những người đứng đầu ngành, lĩnh vực quản lý liên quan trong giải quyết TTHC liên thông; tiêu chuẩn, chế độ đối với CBCC; quy định cụ thể về cơ chế một cửa điện tử, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC. Tiếp tục kiến nghị sửa đổi: Nghị định số 63/NĐ-CP/2010, về kiểm soát TTHC; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, ngày 14-5-2013, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC; Nghị định số 92/Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Đối với cơ quan nhà nước cấp tỉnh, khi quy định TTHC theo thẩm quyền, đặc biệt quan tâm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy chế tổ chức, hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, quy chế phối hợp của các sở, ngành trong cơ chế liên thông, văn bản quy định quy trình tiếp nhận, xem xét xử lý hồ sơ, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức (CBCC) được phân công giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Thực hiện phân cấp đồng bộ trong việc quy định, rà soát, hoàn thiện TTHC liên ngành. Tổ chức tốt công tác tiếp thu phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC và giải quyết TTHC.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm soát TTHC và các quy định chuyên ngành về giải quyết TTHC cho đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước các lĩnh vực chuyên ngành. Tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tuyên truyền, giáo dục pháp luật và thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC. Lựa chọn các hình thức phù hợp, hiệu quả trong phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy thực hiện công tác kiểm soát TTHC và nâng cao chất lượng nhân sự trong giải quyết TTHC ở cơ quan nhà nước cấp huyện, cấp xã.

Đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, bổ sung quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng CBCC. Bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật, các điều kiện khác để CBCC có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, thuận lợi.

Đối với cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC: bao gồm Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng UBND tỉnh và hệ thống cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh. Giải pháp ưu tiên hiện nay là, kiện toàn cả số lượng, chất lượng CBCC làm việc tại Phòng Kiểm soát TTHC nhằm bảo đảm đội ngũ CBCC có tâm huyết, có năng lực, phẩm chất phù hợp.

Sớm thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các trung tâm hành chính công cấp huyện. Các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập có nhiệm vụ cung cấp thông tin, đáp ứng các yêu cầu giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức, thực hiện việc công khai tất cả các dịch vụ, công khai phí, lệ phí.

Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức chỉ đạo, thực hiện và kiểm tra thực hiện cải cách, kiểm soát và giải quyết TTHC; nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh. Trong bộ máy hành chính nhà nước cấp huyện, cấp xã, người đứng đầu là chủ tịch UBND, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phối hợp và quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC ở địa phương. Trong quan hệ với đội ngũ công chức hành chính ở địa phương, người đứng đầu là trung tâm, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCC. Đối với CBCC, cần xác định rõ tiêu chí về phẩm chất đạo đức, ý thức công vụ, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm công tác, văn hóa ứng xử... bảo đảm có chất lượng thực sự trong thực hiện giải quyết TTHC và làm đầu mối công tác kiểm soát TTHC. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục tinh thần, ý thức trách nhiệm phục vụ, tình cảm thân thiện khi tiếp xúc với cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải quyết TTHC; tuyên truyền, hướng dẫn cho đối tượng được phục vụ hiểu về quyền và trách nhiệm khi tham gia thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC; tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho đội ngũ CBCC làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và đầu mối làm công tác kiểm soát TTHC.

Thứ năm, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện kiểm soát và giải quyết TTHC. Chú trọng trình độ ứng dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành và phần mềm “một cửa điện tử” trong giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính (CQHC) nhà nước, bảo đảm 100% số CQHC nhà nước ứng dụng phần mềm này và hồ sơ điện tử được thiết lập từ khi tiếp nhận, đến khi giải quyết và trả kết quả. TTHC và kết quả giải quyết TTHC được công khai trên mạng In-tơ-nét để người dân và doanh nghiệp tra cứu, phản ánh, kiến nghị về kết quả do cơ quan nhà nước giải quyết. Mặt khác, cần có giải pháp triển khai hiệu quả, đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin, như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, lý lịch tư pháp, đăng ký kinh doanh, TTHC, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng, nhất là về thời gian thực hiện pháp luật về giải quyết TTHC.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động giám sát thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết TTHC. Tập trung tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, của đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc trong khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về giải quyết TTHC tại cấp huyện, cấp xã nhằm đánh giá tính hợp pháp, hợp lý của các quy định TTHC. Đồng thời, nâng cao vai trò giám sát xã hội của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng, các hội, đoàn thể quần chúng khác trong tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác kiểm soát TTHC, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính thể hiện rõ trong các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch. Gắn liền với đó là, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, thời gian hoàn thành, thời gian sơ kết, tổng kết, đánh giá, tránh tình trạng lãnh đạo chung chung, bảo đảm sự lãnh đạo của tập thể, đồng thời, đề cao trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu của cơ quan trong chỉ đạo điều hành./.

Nguyễn Thị PhươngTrường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2018/52863/nang-cao-hieu-qua-kiem-soat-thu-tuc-hanh-chinh-tai-cap.aspx