Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

5 năm qua, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nâng cao hiệu quả đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận đồng tình, hưởng ứng, tự giác thực hiện.

Chiều 25/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Báo Hànôịmới tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Tọa đàm nhằm nhìn lại kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở và cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Tổng Biên tập Báo Hànôịmới Nguyễn Hoàng Long cho biết, nâng cao hiệu quả đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nội dung quan trọng của một trong 8 chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, với mục đích phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.

5 năm qua, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nâng cao hiệu quả đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến nay, thành phố cũng đã phát hành hơn 40.000 sổ tay quy tắc ứng xử. Các quy tắc ứng xử đã từng bước đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực, được dư luận đồng tình, hưởng ứng, tự giác thực hiện.

 Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: HL)

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: HL)

Các tiêu chí chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt... đã được đề cao, tuyên truyền rộng rãi và có sức lan tỏa cao. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người tốt, việc tốt”…được thực hiện đều khắp trên địa bàn thành phố. Những việc này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ lê%3ḅ các gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân khi mất toàn thành phố đạt 60,85%. Việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới hỏi đã có những thay đổi rõ rệt. Về cơ bản, các đám cưới được tổ chức theo tiêu chí trang trọng, lành mạnh và tiết kiê%3ḅm. Một số quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc cưới văn minh gồm: Quận Ba Đình đạt tỷ lệ 99,3%; quận Long Biên đạt tỷ lệ 98%; huyện Mỹ Đức đạt tỷ lệ 95%... Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng có những chuyển biến rõ nét. Các hoạt động “buôn thần, bán thánh”; các hình thức cờ bạc, bói toán tại các lễ hội lớn như: Chùa Hương, Hai Bà Trưng… giảm nhiều.

Tuy đạt được những thành tựu trên, song do tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học của Thủ đô tăng nhanh nên nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Kế thừa 8 chương trình công tác lớn nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng 10 chương trình công tác để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó có Chương trình 06 với nội dung “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng đưa ra những bài học kinh nghiệm từ thực tế, qua đó đúc rút kinh nghiệm để bàn bạc các giải pháp về công tác nâng cao hiệu quả hoạt động đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đồng thời đưa ra bức tranh tổng thể qua 5 năm thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2016-2020.

Bà Đinh Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho rằng, việc ban hành 2 quy tắc ứng xử đã nêu ra được tất cả những chuẩn mực cơ bản để mỗi người trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày có định hướng, làm theo, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mỗi cán bộ, công chức là người đi tiên phong trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử, từ đó tạo sự lan tỏa đến từng người dân.

Quận Nam Từ Liêm đã thực hiện nhiều mô hình, trong đó có mô hình bộ phận tiếp nhận kết quả thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp. Mô hình này đã được nhân rộng ở nhiều phường trên địa bàn quận.

Trong quá trình triển khai mô hình này, quận Nam Từ Liêm tập trung thực hiện hai nội dung là giao tiếp ứng xử và giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, coi đây là giải pháp quan trọng. Để thực hiện hiệu quả hai nội dung này, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính rõ người, rõ việc trong nội bộ, thực hiện giao tiếp ứng xử văn minh. Hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân nào bị chậm trễ thì cán bộ công chức đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo. Quận Nam Từ Liêm cũng xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua hằng tháng đối với cán bộ công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Với nội dung giao tiếp ứng xử văn minh, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng 10 nguyên tắc ứng xử trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và quán triệt "ba không" gồm: Không để chậm trễ hồ sơ, không gây sách nhiễu phiền hà, không để người dân đi lại nhiều lần.

Kết quả triển khai thời gian qua cho thấy, việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Người dân đến làm thủ tục ứng xử văn minh hơn; công tác tiếp đón, thực hiện các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn. Đáng chú ý là khi các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, chính xác thì ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Để phát huy những kết quả này, thời gian tới quận Nam Từ Liêm sẽ tiếp tục thực hiện tốt 2 quy tắc ứng xử và sẽ cố gắng có nhiều cách làm hay hơn, mới hơn.

Thuộc địa bàn có đông dân cư, nhiều khách du lịch, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” nhằm phát huy truyền thống, văn hóa ứng xử của người dân phố cổ với 5 tiêu chí, trong đó tập trung vào 2 tiêu chí chính là giao tiếp văn hóa và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Theo ông Đinh Sỹ Đạt, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm: Từ 2009 đến nay, việc thực hiện đề án gắn với thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử đã nhận được sự ủng hộ của người dân, tạo phong trào sâu rộng thu hút đông đảo người dân tham gia và ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Quận Hoàn Kiếm cũng duy trì tốt hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 04. Hằng tuần, Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra trên địa bàn 18 phường, nhắc nhở các vấn đề còn tồn tại cả về văn hóa và vệ sinh môi trường, thông tin tới lãnh đạo quận để khắc phục ngay các vấn đề còn tồn tại. Năm 2020, quận Hoàn Kiếm cũng làm tốt về việc xóa bỏ bếp than tổ ong. 18/18 phường đã vận động người dân chuyển đổi sang các loại bếp thân thiện với môi trường.

“Chúng tôi cho rằng việc thực hiện đề án đã đi vào đời sống của người dân. Điều này có thể nhận thấy rõ trong đợt dịch COVID-19, khi Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện cách ly xã hội, dừng toàn bộ kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, người dân đã chấp hành rất tốt. Người dân cũng thể hiện tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau với nhiều nghĩa cử tốt đẹp” - Ông Đinh Sỹ Đạt khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh cho biết, thời gian qua, huyện Đông Anh đã thực hiện các giải pháp để có được thành công trong việc thực hiện tang văn minh, đó là: Tuyên truyền vận động người dân (trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức được 2.000 tọa đàm, giúp người dân hiểu hơn ý nghĩa của việc thực hiện tang văn minh); xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền tại các làng, tổ dân phố; chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong cơ sở, bổ sung nội dung này vào các quy ước, hương ước của làng; thực hiện hỗ trợ hỏa táng...

Điểm mới nữa trong việc thực hiện tang văn minh tại huyện Đông Anh là việc quy hoạch nghĩa trang đồng bộ. Trên địa bàn huyện có 132 nghĩa trang đã được cải tạo đồng bộ, nâng cấp. Đây là giải pháp căn cơ và hiệu quả để giải quyết vấn đề quỹ đất đang ngày càng thu hẹp…

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung trả lời những câu hỏi đặt ra, tập trung vào việc thảo luận để nêu bật những kết quả và thành tựu cũng như tồn tại, hạn chế của việc xây dựng văn hóa Hà Nội trong những năm qua.

Tổng kết cuộc tọa đàm, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề cập 5 nhóm giải pháp để tham mưu cho Thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025; đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các địa phương để tiếp tục tham mưu cho Thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU trong thời gian tới.

Huy Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-doi-song-van-hoa-co-so-xay-dung-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh-568651.html