Nâng cao hiệu quả đội mũ bảo hiểm ở trẻ em: Ẩn họa từ sự vô cảm của người lớn

Theo quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc chấp hành quy định trên vẫn chưa đạt như mong muốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 'chấp hành nửa vời' trong vấn đề thực hiện triển khai đội MBH cho trẻ lại xuất phát từ chính các bậc phụ huynh.

Chấp hành nửa vời

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy đã trở thành nét đẹp văn hóa giao thông tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, bình quân có khoảng 90% người lớn đội MBH khi đi mô tô, xe máy. Còn theo báo cáo của Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á, qua 10 năm thực hiện quy định pháp luật về MBH (2007-2017), đã giúp giảm trên 15.300 người chết và trên 500.000 ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, tiết kiệm trên 3,5 tỷ USD cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, tỷ lệ đội MBH cho trẻ em hiện nay còn thấp. Theo kết quả khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đầu năm 2019 cho thấy, tỷ lệ học sinh cấp I và cấp II đội MBH chỉ đạt khoảng 52%, tăng 22% so với năm 2017, nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu 80% trẻ em đội MBH khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện vào năm 2020 đặt ra trong Chỉ thị số 04/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Các bậc phụ huynh khi tham gia giao thông “quên” đội MBH cho trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Các bậc phụ huynh khi tham gia giao thông “quên” đội MBH cho trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trên các tuyến đường từ quốc lộ đến khu vực giao thông nông thôn, đô thị trên địa bàn Hà Nội dễ nhận thấy không ít người còn lơ là, coi thường việc đội MBH. Trục Quốc lộ 32, hướng đi thị xã Sơn Tây là ví dụ. Tại đây, ngay những điểm chạy qua khu vực đông dân cư qua địa bàn huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, chỉ chưa đầy 1 giờ quan sát, người viết đã ghi nhận được không dưới 5 trường hợp phụ huynh dù đội MBH cho bản thân nhưng lại “quên” MBH cho trẻ.

Bản thân người viết cũng không ít lần chứng kiến cảnh nhiều phụ huynh nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội MBH nhưng lại không đội cho con em mình. Một số khác tuy đội MBH cho con nhưng không cài quai hoặc sử dụng mũ không phù hợp kích cỡ và độ tuổi. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong hoặc bị thương nặng, nhất là chấn thương sọ não do tai nạn giao thông ở trẻ em. Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp khi bị các lực lượng chức năng xử lý, dù nhận thức được hành vi vi phạm, song vẫn cố đưa ra mọi lý do để xin bỏ qua như vội quá nên quên, nhà gần trường...

Một vấn đề đáng lưu tâm khác là hiện tỷ lệ học sinh tham gia điều khiển xe máy, xe đạp điện đến trường mà không chấp hành quy định đội MBH vẫn còn khá cao. Theo ghi nhận, khoảng thời gian trước kỳ nghỉ hè nhiều học sinh tại một số trường THCS, THPT dù được tuyên truyền tích cực song việc chấp hành việc đội MBH vẫn không được chấp hành đầy đủ. Bởi vậy, hình ảnh những học sinh “đầu trần” đi xe máy điện, xe máy vô tư lạng lách giữa dòng xe đông đúc vô cùng nguy hiểm vẫn còn xảy ra.

Cụ thể, ở huyện Thạch Thất – địa phương có nhiều tuyến đường liên huyện, tỉnh lộ với mật độ tham gia gia thông đông đúc, nơi những con đường lớn không khó bắt gặp những hình ảnh các cô cậu học trò điều khiển xe máy điện, xe mô tô đến trường không đội MBH, dàn hàng đôi, hàng ba gây mất an toàn giao thông.

Theo Công an huyện Thạch Thất, trong gần 3 tháng trở lại đây đơn vị đã xử phạt hành chính 135 trường hợp là các em học sinh vi phạm luật giao thông. Các trường hợp vi phạm đều bị lập danh sách gửi về nhà trường và gia đình để phối hợp nhắc nhở, giáo dục. Được biết, để hạn chế vi phạm liên quan, Công an huyện Thạch Thất đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, tặng MBH, phát tờ rơi. 100% nhà trường cho học sinh ký các cam kết tuyệt đối tuân thủ đội MBH khi đi xe máy điện, xe đạp điện đến trường và khi tham gia giao thông cùng gia đình.

Cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, các lực lượng chức năng của huyện Thạch Thất cũng tổ chức các tổ tuần tra, khép kín địa bàn, đặc biệt vào những giờ cao điểm học sinh đến trường và tan học. Từ đó, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh không đội MBH, điều khiển xe mô tô.

Gia đình phải đóng vai trò chủ công

MBH từ lâu được xem là một biện pháp bảo vệ có hiệu quả, hạn chế thương tích vùng đầu cho người tham gia giao thông khi xảy ra tai nạn. Pháp luật cũng quy định rất rõ về việc bắt buộc phải đội MBH và cài quai đúng cách khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân thủ và hậu quả để lại thường hết sức nặng nề.

Tại Lễ công bố chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp một toàn quốc năm học 2019-2020 với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Việt Nam đã tiến hành ký kết biên bản phối hợp trong việc cam kết thực hiện hiệu quả chương trình trao tặng MBH.

Tại Lễ phát động tặng MBH cho học sinh lớp 1 trên toàn quốc năm học 2019 – 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, đâu đó vẫn còn sự vô cảm của người lớn, của thầy cô, lực lượng chức năng khi trẻ em không đội MBH. Minh chứng là vẫn còn không ít trẻ em chưa được đội MBH khi đi mô tô, xe máy. Vẫn còn nhiều bậc cha mẹ, người lớn không đội MBH cho con, em mình khi chở các cháu đi trên mô tô, xe máy. “Hàng ngày chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh cha, mẹ thì đội MBH đầy đủ, nhưng chở theo con em, đầu trần.

Không ít giáo viên chủ nhiệm chưa từng hỏi học sinh xem cha mẹ có mua và đội MBH cho con hay không. Đó chính là sự vô tâm, vô trách nhiệm, thậm chí có thể nói là sự vô cảm của người lớn, của thầy cô, của lực lượng chức năng trước hiểm nguy đang rình rập, đe dọa sinh mạng với thế hệ tương lai của gia đình, đất nước” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải xây dựng kế hoạch Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường ngay trong tháng 9/2019. Trong đó, lấy trọng tâm là tuyên truyền vận động phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm về đội MBH đối với học sinh và người chở học sinh đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.

Quanh vấn đề MBH cho trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình và là tương lai của đất nước. Để nâng cao tỷ lệ trẻ em đội MBH, bà Nghĩa cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là của các thầy cô giáo trong việc tuyên truyền cho các em và cha mẹ các em thực hiện đội MBH khi tham gia giao thông. “Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ thực hiện có hiệu quả, chất lượng chương trình và sẽ trao MBH cho học sinh vào dịp khai giảng năm học mới. Bộ sẽ chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường tăng cường hơn nữa công tác giáo dục để đảm bảo 100% học sinh lớp một được đội MBH. Đồng thời tổ chức cho cha mẹ học sinh cam kết thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông, đặc biệt là đội MBH khi tham gia giao thông” – đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Khách quan nhìn nhận, nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia giao thông, đặc biệt là trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội MBH, các lực lượng chức năng đã và đang thường xuyên tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm đang gặp rất nhiều khó khăn bởi thời điểm vi phạm diễn ra tập trung nhất cũng là giờ cao điểm, việc dừng xe kiểm tra, xử lý nếu không khéo có thể gây ra tác dụng ngược.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, vấn đề ở đây là ý thức của các bậc phụ huynh. Nói cách khác, việc đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông phụ thuộc rất lớn vào ý thức tự giác của bậc cha mẹ. Họ phải ý thức và chủ động nhắc nhở, đội MBH cho con em mình khi tham gia giao thông để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Rõ ràng, để quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH khi tham gia giao thông đi vào thực tiễn, ngoài nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhà trường, thì rất cần sự vào cuộc của chính các bậc phụ huynh, của mỗi gia đình. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào các lực lượng chức năng, đó chỉ là biện pháp cắt ngọn.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-hieu-qua-doi-mu-bao-hiem-o-tre-em-an-hoa-tu-su-vo-cam-cua-nguoi-lon-92555.html