Nâng cao hiệu quả dịch vụ môi trường rừng: Thu đúng, thu đủ và minh bạch thu - chi

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là chính sách đầu tiên về lâm nghiệp coi việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chính sách vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ, trong đó có việc điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR để khuyến khích người dân gắn bó với rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khuyến khích nhân dân đầu tư trồng, chăm s óc và bảo vệ rừng.

Góp phần bảo vệ rừng

Thung Nai là xã miền núi thuộc huyện Cao Phong (Hòa Bình), có tổng diện tích tự nhiên 3.639ha. Năm 2016, tổng diện tích rừng được chi trả phí DVMTR là 1.248ha. Theo ông Bùi Văn Nhàn, Chủ tịch UBND xã, qua 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, ý thức của người dân trong công tác trồng và bảo vệ rừng được nâng lên, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng, diện tích rừng ngày càng tăng. Hàng năm, bà con đã cải tạo và trồng mới được hơn 100ha rừng.

Để thực thi có hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, xã Thung Nai đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chính sách này và các văn bản có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp tới các chủ rừng; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có là 705ha; quản lý tốt diện tích, ranh giới các khu rừng; chỉ đạo cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với quy định của pháp luật.

Thung Nai chỉ là một trong số nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Theo thống kê, sau khi rà soát xác định đối tượng sử dụng dịch vụ trên các lưu vực nhà máy thủy điện làm cơ sở tổ chức thực hiện chính sách DVMTR, gồm 2 lưu vực liên tỉnh, nội tỉnh và 6 phụ lưu (lưu vực Nhà máy thủy điện Hòa Bình và 4 phụ lưu, lưu vực Nhà máy thủy điện Bá Thước II và 1 phụ lưu, lưu vực Nhà máy thủy điện Định Cư - huyện Lạc Sơn) thì tổng diện tích chi trả là 110.994ha, chiếm 42% diện tích rừng của tỉnh Hòa Bình.

Trong 5 năm (2011 – 2015), tổng số tiền thu về Quỹ DVMTR tỉnh Hòa Bình đạt 53.740 triệu đồng, trong đó đã trực tiếp chi trả và làm kinh phí hoạt động 46.072 triệu đồng (chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được hưởng 35.462 triệu đồng).Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, đánh giá, tuy việc triển khai có nhiều khó khăn nhưng chính sách chi trả DVMTR đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân. Vì nếu rừng được bảo vệ tốt, chất lượng rừng đảm bảo thì ngoài môi trường sinh thái được cải thiện, người dân còn được chi trả tiền DVMTR hàng năm, góp phần cải thiện cuộc sống.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực châu Á thực hiện chính sách mới này. Thực tế cho thấy, chính sách được đánh giá triển khai hiệu quả trên cả nước và nhận được sự đồng thuận rất lớn của các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương và nhân dân.

Hiện, toàn quốc đã hình thành hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương. Số lượng quỹ được thành lập tăng dần theo thời gian, nếu như năm 2009 chỉ có 4 tỉnh thành lập (Lâm Đồng, Sơn La, Lai Châu, Đắk Nông) thì nay đã có 41 tỉnh, trong đó có 38 quỹ tỉnh đã ổn định bộ máy tổ chức, đi vào hoạt động.

Chính sách chi trả DVMTR đã từng bước thúc đẩy, tạo lập cơ chế thị trường có sự định hướng và thể hiện vai trò điều tiết của Nhà nước; thể hiện mối quan hệ trong giao dịch kinh tế giữa một bên mua là bên sử dụng DVMTR (đối tượng thụ hưởng DVMTR) và bên bán là bên cung ứng (chủ rừng). Tính đến ngày 30/6/2016, cả nước đã ký được 464 hợp đồng ủy thác tiền chi trả DVMTR với các cơ sở sử dụng DVMTR. Trên cơ sở các hợp đồng ủy thác ký kết được, nguồn tiền DVMTR của cả nước hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng, lũy kế đến ngày 30/6/2016 là 5.744,792 tỷ đồng, từ 3 nhóm đối tượng sử dụng DVMTR là cơ sở thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch và cơ sở du lịch, số tiền phải chi trả cho chủ rừng và các tổ chức không phải chủ rừng là 4.549,620 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt 86,71%, đã có hơn 500.000 hộ dân được nhận tiền chi trả DVMTR. Số tiền DVMTR mà hộ dân nhận được bình quân chung cả nước đạt khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn chi trả DVMTR chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng.

Mức chi trả không còn phù hợp

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng theo ông Lượng, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR còn nhiều hạn chế do mức chi trả quá thấp, không phù hợp với biến động thị trường. Hiện nay, mức chi trả DVMTR theo số tuyệt đối, cố định đối với cơ sở sản xuất thủy điện 20 đồng/kWh, cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch 40 đồng/m3 quy định tại Nghị định 99/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR ban hành ngày 2/9/2010 đến nay không còn phù hợp với tình hình lạm phát và biến động tăng giá, không đảm bảo thu nhập và tạo ra động lực, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Việc chi trả DVMTR theo từng lưu vực của từng cơ sở sử dụng DVMTR đã tạo ra sự chênh lệch lớn. Có lưu vực mức chi trả trên 600.000 đồng/ha/năm nhưng cũng có lưu vực chỉ trả 800 đồng/ha/ năm, làm cho thu nhập của người làm nghề rừng có sự khác biệt rất lớn.

Đơn cử như tại Hòa Bình, theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, hiện mức thu nhập từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng của hộ gia đình vào khoảng 600.000 đồng/hộ/năm với diện tích thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; 21.000 đồng/hộ/năm với lưu vực Nhà máy Thủy điện Bá Thước II và gần 120.000 đồng/hộ/năm với lưu vực Nhà máy Thủy điện Suối Nhạp A, còn thấp so với các địa phương khác trong cùng hệ thống sông, hồ thủy điện sông Đà và cả nước.

Tại Tuyên Quang, đơn giá chi trả tiền DVMTR bình quân năm 2015 là 46.000 đồng/ha; thu nhập bình quân từng hộ năm 2015 là 95.000 đồng/hộ nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân về chính sách này.

Trong khi đó, tại Lào Cai, có một số nơi đơn giá chi trả bình quân trên 1ha rừng đạt khá cao, cao hơn cả mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ rừng (200.000 đồng/ha), như: lưu vực Nhà máy Thủy điện Nậm Khóa 3, Nhà máy Thủy điện Nậm Tha có đơn giá chi trả đạt từ 518.000 - 733.000 đồng/ha/năm.

Trong 5 loại DVMTR được quy định tại Nghị định 99, hiện mới có 3 loại dịch vụ đã thực hiện, gồm: Dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, sông, suối; dịch vụ điều tiết nước và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; dịch vụ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ du lịch. Còn 2 dịch vụ vẫn chưa triển khai là: Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng.

Chế tài xử lý vi phạm đối với các đối tượng phải chấp hành chi trả tiền DVMTR còn chưa phân cấp, giao rõ trách nhiệm cho đơn vị nào xử lý, dẫn đến một số đơn vị phải trả tiền DVMTR vẫn còn né tránh, không thực hiện trách nhiệm chi trả.

Đảm bảo thu đúng, thu đủ

Ông Phạm Hồng Lượng cho biết, để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, các địa phương, ngành chức năng cần đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ đã quy định đối tượng thu, mức thu; kiện toàn bộ máy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thu nộp tiền DVMTR và các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định.

Phát hiểu tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ môi trường rừng” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Hòa Bình, TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả chính sách này, cần khuyến khích các chủ rừng thực hiện quản lý bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư hoặc nhóm hộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR cho chủ rừng, đánh giá chất lượng rừng để đảm bảo đúng đối tượng và tiêu chuẩn chi trả theo quy định; tăng diện tích giao khoán cho các hộ gia đình để ổn định thu nhập cho người dân. Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ sớm ban hành thông tư quy định, hướng dẫn về tiêu chí thành lập bộ máy và mô hình phân cấp quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, giữ rừng đã trở thành nhiệm vụ sống còn, vì vậy, việc hoàn thiện chính sách chi trả DVMTR để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của các cơ sở, cộng đồng dân cư là đòi hỏi bức thiết.

Khánh Nguyên

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nang-cao-hieu-qua-dich-vu-moi-truong-rung-thu-dung-thu-du-va-minh-bach-thu-chi-post1657.html