Nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể

Xây dựng lòng tin cho các thành viên và tăng cường kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ là những giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế tập thể.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với những thành tích rất đáng khích lệ trong thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) và hợp tác xã (HTX) ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế và sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, nhất là tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh, tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX từ các tổ chức quốc tế.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, khu vực KTTT, HTX đã từng bước vượt qua khó khăn và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, 50-80% tổng số HTX phi nông nghiệp.

Hiện cả nước có khoảng 22.600 HTX, trong đó có hơn 13.700 HTX nông nghiệp, hơn 9.000 HTX phi nông nghiệp... Các HTX đang đóng góp 10% GDP, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu người, thu hút gần 6 triệu thành viên, doanh thu bình quân đạt hơn 4,4 tỷ đồng/1 HTX hàng năm, tăng gấp 5,2 lần so với năm 2003.

Đặc biệt, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng tăng. Năm 2018, gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm; nhiều HTX liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Nghị quyết số 13-NQ/TW có hai mục tiêu chính, một là đưa KTTT thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, và hai là phấn đấu đưa KTTT đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỉ trọng ngày càng lớn trong GDP. Tuy nhiên, sau 15 năm, chỉ mục tiêu thứ nhất đạt được, KTTT đã thoát khỏi tình trạng yếu kém, tỉ lệ phát triển HTX kiểu mới tăng mạnh qua từng năm. Còn mục tiêu thứ 2 chưa đạt, năm 2018, KTTT chỉ đóng góp 4% GDP so với mức 7,49% GDP của năm 2013. Mặt khác, nhiều HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sự liên kết giữa các HTX còn thấp, mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn chưa phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị tuy đã có chuyển biến tích cực song còn yếu.

Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng HTX là loại hình kinh tế đặc biệt, không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn có vai trò ổn định chính trị, an sinh xã hội. Mặt khác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều địa phương vẫn còn “ám ảnh” mô hình HTX kiểu cũ, áp đặt phát triển HTX bằng mệnh lệnh hành chính thì không thành công, nhưng buông lỏng thì “bết bát”.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách còn bất cập, nhiều HTX có quy mô nhỏ, năng lực quản trị còn hạn chế; mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo cũng khiến thành phần kinh tế này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Kết nối, lòng tin và năng lực quản trị

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường; tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, gắn với thực tiễn; hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT.

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong điều kiện hội nhập, để phát triển KTTT, HTX, con đường tất yếu là xây dựng những HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với doanh nghiệp để hội nhập và hình thành chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo các chuyên gia, kết nối và mở rộng hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế thành viên và các chủ thể khác nhằm nâng cao chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn, tự đổi mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế là yêu cầu cấp thiết đối với KTTT và HTX.

Tại Hội nghị, chia sẻ về các yếu tố tạo nên sự thành công của HTX ở Hà Lan, ông Harm Haverkort - Giám đốc Tổ chức Phát triển Agriterra (Hà Lan) tại Việt Nam cho biết, HTX tại Hà Lan được tổ chức theo mô hình “từ dưới lên trên” như sự mở rộng trang trại. Theo ông Haverkort, mục đích duy nhất của HTX Hà Lan là tối ưu hóa lợi nhuận và phân phối cho các thành viên dựa trên mức độ sử dụng dịch vụ của họ.

Cũng theo ông Haverkort, tại Hà Lan, HTX tăng vốn chủ yếu thông qua tích lũy từ lợi nhuận chứ không phải từ vốn góp của thành viên. “HTX phấn đấu đạt được lợi nhuận, coi đó là phương tiện để bảo đảm sự liên tục và phát triển bền vững”, ông Haverkort nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, phần quản trị HTX và kinh doanh là tách biệt. Hội đồng quản trị và Ban giám đốc cũng riêng biệt.

Nhận xét về sự phát triển HTX tại Việt Nam, theo đại diện Agriterra, có năm điểm yếu là: lòng tin của các thành viên với HTX; các HTX gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm; quản trị kinh doanh còn nhiều hạn chế; khó tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ; đa số thành viên quản trị HTX đã lớn tuổi, khó tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại. Vì vậy, ông Haverkort “mách nước”, phát triển HTX tại Việt Nam cần dựa trên: lòng tin, tài chính, quản trị kinh doanh và thị trường.

Trần Liễu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-cao-hieu-qua-cua-kinh-te-tap-the-102955.html