Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài

Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp như xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý lĩnh vực này.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hoài Nam. (Ảnh: Nhan Huyền/Vietnam+)

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hoài Nam. (Ảnh: Nhan Huyền/Vietnam+)

Quốc hội đang thảo luận dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), và dự kiến sẽ thông qua trong tháng 10/2020, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập khi thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sự kiện này đang nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước, đặc biệt là những cá nhân, cơ quan, tổ chức trực tiếp hoặc có liên quan đến hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, trong đó có đông đảo người lao động.

Tinh thần của dự án Luật này là nhằm đáp ứng, giải quyết những vấn đề mới phát sinh về lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn sau gần 13 năm thi hành; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tiễn hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế…

Bảo đảm đạt được những mục tiêu mà Quốc hội đề ra trong việc bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đang tập trung để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cơ quan có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng của dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tăng cường chức năng giám sát để phát hiện kịp thời các bất cập trong tổ chức thực hiện để kiến nghị vấn đề với Chính phủ. để công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đạt được hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, luật pháp là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức triển khai thực hiện, mà việc tổ chức triển khai là do Chính phủ, các Bộ, ngành thực hiện.

Muốn Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ làm tốt thì vai trò giám sát của Quốc hội, của các cơ quan dân cử là hết sức quan trọng.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội hướng đến bố trí các cuộc giám sát tại các nước có lao động Việt Nam đến làm việc, để nắm được thực tiễn và hiểu biết bản chất vấn đề lao động Việt Nam, từ đó điều chỉnh chính sách, để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, chức năng của cơ quan dân cử không chỉ là đại biểu Quốc hội, mà là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cấp huyện và cấp xã cũng cần phải vào cuộc.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của các cơ quan truyền thông cũng cần tăng cường hơn nữa để người dân hiểu rõ về những chính sách pháp luật của nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thông qua các kênh tiếp xúc cử tri và hoạt động chất vất và trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề bảo hộ lao động ở nước ngoài, nhằm tăng cường công tác giám sát khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được thông qua và thi hành.

Tiếp tục mở rộng thị trường và đa dạng ngành nghề lao động ngoài nước

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục tập trung giữ ổn định và tăng thị phần, mở rộng loại hình ngành nghề đưa lao động đi làm việc tại các thị trường truyền thống, trọng điểm đối với lao động Việt Nam, ta sẽ tiếp tục triển khai mở thêm những thị trường mới, những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Đảm bảo hàng năm có khoảng 120.000-150.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào những thị trường, công việc có thu nhập khá, an toàn, điều kiện làm việc tốt, đồng thời thông quan đó người lao động có thể nâng cao kiến thức, trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ để sau khi về nước có được việc làm phù hợp, thu nhập tương xứng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Tống Hải Nam cho rằng để thực hiện được những mục tiêu nói trên, thì Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp như xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý lĩnh vực này; ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế, qua đó ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước truyền thống, chú trọng khai thác thị trường lao động có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh với người lao động.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương, cơ sở.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, đồng thời qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Phát huy vai trò của lao động Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp phát triển đất nước

Vừa hoàn thành hợp đồng lao động 3 năm với công ty Matsuda Chikusan của Nhật Bản, chị Lê Thị Hòa (30 tuổi, người Hưng Yên) sau khi tốt nghiệp trường đại học Thương Mại đã lựa chọn thị trường Nhật Bản để làm việc.

Chị Hòa cho biết, Nhật Bản không chỉ có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, mà sau khi về nước chị cũng dụng được những gì đã học hỏi được từ nước bạn, đặc biệt là về ngoại ngữ để phục vụ cho công việc của mình, cho nên mức lương sau khi về nước cũng cao hơn so với những người bạn làm việc ở trong nước.

Chị Lê Thị Hòa (hàng 2 thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp

Chị Hòa bày tỏ hy vọng sau khi dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được thông qua, những lao động kỹ thuật cao như chị sẽ có nhiều cơ hội hơn để đi làm việc tại nước ngoài, đồng thời cũng sẽ được bảo hộ tốt hơn, để không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, mà còn mang những kiến thức học được từ nước ngoài về cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Trong vai trò cơ quan phái cử lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ông Đoàn Văn Minh, giám đốc Công ty cổ phần phát triển dịch vụ C.E.O hy vọng, Dự Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) khi thông qua và thực thi sẽ giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và bảo đảm sự đồng bộ với các luật mới ban hành có liên quan trong thời gian gần đây.

Đặc biệt là sẽ tạo ra hành lang pháp lý chi tiết hơn, dễ thực thi hơn cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, từ đó duy trì và mở rộng thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, đồng thời nâng cao chất lượng và vị thế của người lao động Việt Nam.

Dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đáp ứng, giải quyết được những vấn đề mới phát sinh về lao động, nhất là trong vấn đề nâng cao hiệu quả trong bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài, người lao động không chỉ được tiếp nhận bởi những thị trường lao động an toàn, thu nhập cao mà sau khi về nước còn có cống hiến cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.

Lê Hiền-Nhan Huyền-Nguyễn Phương (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ho-lao-dong-viet-nam-o-nuoc-ngoai/670757.vnp