Nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp thông qua hợp tác quốc tế

Ngày 2-11, tại Trụ sở Chính phủ, diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 9-12-2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp (Chỉ thị số 39). Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 39 chủ trì hội nghị.

Cùng dự, có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Tư pháp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 39.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, từ năm 2009 đến tháng 6-2019, thực hiện định hướng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và trên cơ sở các định hướng, nguyên tắc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật được xác định tại Chỉ thị số 39, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã ký kết, gia nhập 340 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và thỏa thuận hợp tác, theo các hình thức hiệp định, thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, biên bản hội đàm...; trong đó đã ký kết 37 điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước Việt Nam với các nước trên thế giới. Đồng thời đàm phán, phê duyệt và triển khai thực hiện khoảng 366 chương trình, dự án, phi dự án với vốn cam kết hỗ trợ hàng triệu USD trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu chuyên gia, khảo sát thực tiễn hoặc cung cấp trang thiết bị làm việc...

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, mục đích của việc tổng kết là nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 39 trong 10 năm qua, xác định những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận diện bối cảnh, yêu cầu mới và đề ra định hướng, nhiệm vụ hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới. Việc tổng kết Chỉ thị số 39 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ những mặt làm được, chưa làm được, những bất cập, hạn chế và nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39; việc cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị số 39 giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước các hoạt động hợp tác với nước ngoài về cải cách hành chính. Cùng với đó, đánh giá, nhận diện và nêu rõ những tác động của hợp tác quốc tế đối với cải cách hành chính; phòng ngừa những tác động của bên ngoài vào Việt Nam trong việc quyết định thể chế, chính sách, pháp luật thông qua hoạt động hợp tác quốc tế.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, tinh thần chủ đạo của Chỉ thị số 39 là nhằm tiếp thu kinh nghiệm tốt của quốc tế nhưng phải có sự lựa chọn, sàng lọc, vận dụng phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho đội ngũ cán bộ trong thực hiện hợp tác quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42116802-nang-cao-hieu-qua-cai-cach-tu-phap-thong-qua-hop-tac-quoc-te.html