Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Bộ Công an vừa dự thảobáo cáo tổng kết thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam. Dự thảo báo cáo được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Theo dự thảo, từ 1-1-2015 đến 31-12-2018, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho 21.679.382 lượt NNN. Ngoài ra, đã có 18.110 lượt NNN nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực SQ do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Thông qua công tác xét duyệt nhân sự, các cơ quan chức năng đã phát hiện và từ chối xét duyệt nhập cảnh đối với 209 đối tượng thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh, trong đó, có nhiều đối tượng là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức khủng bố ở nước ngoài. Thủ tục đề nghị xét duyệt nhân sự cấp thị thực cho NNN nhập cảnh Việt Nam đơn giản, thuận tiện. Thời hạn giải quyết cấp thị thực nhanh chóng (3 ngày làm việc đối với trường hợp thuộc diện nhận thị thực tại cửa khẩu, trường hợp gấp có thể được xem xét giải quyết trong vòng 12 giờ).

Thủ tục đề nghị xét duyệt nhân sự cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đơn giản, thuận tiện. (Ảnh minh họa)

Thủ tục đề nghị xét duyệt nhân sự cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đơn giản, thuận tiện. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, thực hiện Thỏa thuận về cấp thị thực giữa hai Chính phủ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được Quốc hội phê chuẩn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29-5-2016, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã duyệt cấp thị thực có giá trị 1 năm hoặc nhiều lần cho 129.814 lượt công dân Hoa Kỳ vào Việt Nam với các mục đích như: du lịch, hội thảo, hội nghị, việc riêng, làm việc với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Về thí điểm cấp thị thực điện tử, từ ngày 1-2-2017 đến ngày 31-12-2018, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã cấp 422.928 thị thực điện tử cho NNN. Số lượng thị thực điện tử cấp cho NNN tăng nhanh, năm 2017 là 109.434 lượt, đến năm 2018 là 313.494 (tăng 186% so với năm 2017)...

NNN cư trú tại Việt Nam chấp hành tốt quy định pháp luật của Việt Nam, hoạt động đúng mục đích nhập cảnh. Tuy nhiên, với số lượng NNN nhập cảnh Việt Nam ngày càng tăng, đã có nhiều NNN hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo thống kê, từ 1-1-2015 đến 31-12-2018 các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 25.763 trường hợp NNN vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam như sau: Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam; trong đó, tập trung vào một số vấn đề như luật hóa quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài; quy định điều kiện người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực; bỏ quy định về miễn thị thực cho NNN vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quy định miễn thị thực cho NNN nhập cảnh khu kinh tế ven biển Phú Quốc; quy định một số loại thị thực được chuyển đổi mục đích; quy định thị thực cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và ký hiệu thị thực cấp cho luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam…

Giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam theo hướng bổ sung quy định về hình thức “Buộc xuất cảnh” đối với NNN hết thời hạn tạm trú nhưng không chịu xuất cảnh để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi khách sạn không nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xử lý các hành vi vi phạm này trên thực tế.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, cần đề nghị các địa phương chưa ban hành Quy chế phối hợp khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng, ban hành. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, pháp lý cho cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý người ngước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Cần quan tâm, tạo điều kiện đầu tư kinh phí, trang thiết bị để ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý NNN nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-xuat-canh-nhap-canh-qua-canh-cu-tru-cua-nguoi-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-532796/