Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp

Thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) sáng nay, (25/11), các đại biểu Quốc hội (ĐB) thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này chỉ tập trung vào một số vấn đề rất cấp bách, cần thiết; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể phục vụ trực tiếp công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), các vụ án tham nhũng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình tại phiên họp.

Có nên để Kiểm toán nhà nước tham gia GĐTP

Tại phiên thảo luận, các ĐB cơ bản tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP năm 2012 nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về GĐTP, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác GĐTP, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) còn ý kiến khác nhau là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp.

Để tăng cường huy động các cơ quan, tổ chức có chuyên môn cao vào hoạt động giám định, dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện GĐTP khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu (bổ sung Điều 41a).

Theo quy định này, Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện giám định như một tổ chức GĐTP theo vụ việc, không phải là cơ quan quản lý nhà nước về GĐTP.

Ủng hộ việc Chính phủ đề nghị bổ sung Kiểm toán nhà nước tham gia GĐTP, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết, GĐTP là công việc khó, phức tạp và “đụng chạm” vì nó xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm. Do đó, giữa các cơ quan có chức năng giám định thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy đồng thời cũng có sự né tránh, đùn đẩy của bản thân những người tham gia giám định.

Theo ĐB, trong thực tế có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua cho thấy dù cơ quan giám định, người có thẩm quyền trưng cầu giám định trưng cầu giám định nhưng các cơ quan vẫn có sự đùn đẩy, né tránh với nhau.

ĐB Học chỉ ra rằng, từ năm 2013 đến năm 2018, chỉ trong vòng 5 năm, trong lĩnh vực tài chính có 241 vụ việc trưng cầm giám định nhưng vẫn có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy.

“Nếu chúng ta đề nghị Kiểm toán Nhà nước tham gia GĐTP trong lĩnh vực tài chính sẽ có thêm một kênh để lựa chọn”, ĐB nêu quan điểm.

Cũng theo ĐB Học, Kiểm toán Nhà nước có đầy đủ các điều kiện để tham gia giám định để cho kết luận khách quan chính xác.

Về câu hỏi vụ việc, vụ án xảy ra trong lĩnh vực của tài chính nếu trưng cầu giám định của tài chính thì liệu có khách quan không?

Về ý kiến cho rằng nếu vụ việc, vụ án xảy ra trong lĩnh vực của Bộ Tài chính mà trưng cầu giám định thuộc Bộ Tài chính sẽ ảnh hưởng đến chức năng độc lập của kiểm toán, ĐB Học nhận định "không phải như vậy".

"Giữa hoạt động kiểm toán và GĐTP là có một điểm chung. Giám định cũng đòi hỏi tính độc lập, đòi hỏi tính khách quan và cũng đòi hỏi sự tuân theo pháp luật. Do vậy, tôi rất ủng hộ với việc bổ sung Kiểm toán Nhà nước tham gia GĐTP”, ĐB nói.

Tuy nhiên, ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang), Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương)… cho rằng, việc bổ sung quy định này là không cần thiết. Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng, việc quy định như vậy sẽ làm mất đi nguyên tắc cơ bản của tổ chức bộ máy, đó là một việc chỉ do một cơ quan độc lập tiến hành.

Chỉ tập trung vào một số vấn đề rất cấp bách, cần thiết

Giải trình ý kiến của các ĐB tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định Luật GĐTP năm 2012 đến nay vận hành tương đối tốt. Cùng với luật, Chính phủ có đề án thực hiện luật này làm 2 giai đoạn, hiện đang ở giai đoạn 2.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhắc lại việc các ĐB thống nhất cao với việc tập trung sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập trung vào một số vấn đề rất cấp bách, cần thiết mà không đảo lại toàn bộ các vấn đề lớn trong luật hiện hành, chủ yếu tập trung thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể phục vụ trực tiếp công tác đấu tranh PCTN, các vụ án tham nhũng, kinh tế. “Phạm vi rất hạn chế, không nhiều”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.

Vẫn theo Bộ trưởng Tư pháp, có việc giao thoa giữa phạm vi điều chỉnh của các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này với các bộ luật tố tụng hiện hành, trong đó có Bộ luật Tố tụng hình sự.

“Chính phủ nhận thức được rằng về nguyên tắc thì những vấn đề liên quan trực tiếp đến giám định, kể cả vấn đề về thời hạn giám định phải quy định trong luật tố tụng. Ở đây, có các luật tố tụng khác nhau, quan trọng nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự. Chúng ta mới sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Đây là dự án luật khó hơn nên một số những nội dung lẽ ra có thể sửa đổi, bổ sung và đưa vào trong Bộ luật Tố tụng hình sự thì đưa vào GĐTP nhưng với một nguyên tắc tối cao là bổ sung cho nhau chứ không mâu thuẫn”, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định.

Về vấn đề quy định thời hạn, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, trên thực tế, đặc biệt là các vụ án vừa qua cho thấy rằng các cơ quan lấy lý do này, lý do khác, không chủ động, ngại hoặc né tránh.

“Chính vì ngại và né tránh nên không quy định rõ về thời hạn thì rất khó thực hiện, nhưng nguyên tắc không được vượt quá thời hạn tố tụng. Theo tôi hiểu, quy định cụ thể có vấn đề này, vấn đề khác, nhưng nguyên tắc lớn nhất là như vậy. Chúng tôi cũng xin tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tính toán làm sao để quy định cho phù hợp hơn. Nhưng trần ở đây quy định trong các bộ luật tố tụng, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Về vấn đề xã hội hóa trong hoạt động GĐTP, ông Long cho hay, trên thực tế phát sinh một số trường hợp cần phải xã hội hóa trong lĩnh vực có nhu cầu lớn.

“Nhưng chúng ta vướng câu ở trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là chỉ cho xã hội hóa trong các lĩnh vực xã hội ít có nhu cầu. Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 49 có sự căn chỉnh phù hợp việc này. Tôi thấy là cũng tuân theo nguyên tắc thị trường thôi. Đây cũng là các ý kiến chuyên gia. Chính phủ đang dự kiến là báo cáo Bộ Chính trị việc cho mở rộng thêm ra, sửa đổi nội dung cụ thể này ở trong tổng kết Nghị quyết số 49”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Nhiệm vụ về giám định của Kiểm toán, theo Bộ trưởng Tư pháp, Chính phủ thấy rằng Kiểm toán là một cơ quan mà có thể trình độ chuyên môn không được là cao nhất nhưng cũng là một cơ quan chuyên môn rất cao về mặt tài chính.

“Trong quá trình chúng ta huy động các đóng góp về mặt chuyên môn thì Kiểm toán cũng là một kênh với tư cách là những vụ việc độc lập thôi. Với yêu cầu và nhận thức như vậy Chính phủ đề xuất là vẫn tiếp tục có sử dụng nhiệm vụ này hoặc là chức năng này của Kiểm toán”, ông nói.

Về quy định về việc giám định phục vụ cho hoạt động thanh tra, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, xuất phát từ thực tế trong thời gian vừa qua trong các vụ án lớn, vụ án kinh tế, tham nhũng có nhiều vụ việc mà Thanh tra phải trưng cầu giám định nhưng chưa có quy chế, quy định cụ thể.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Luật Thanh tra có các quy định phải cụ thể hóa quy định chi tiết nhưng chưa có quy định này để xử lý.

“Bây giờ thì chúng ta đang sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP thì đưa một ý vào với nguyên tắc về mặt pháp luật thì không có gì trái cả…”, Bộ trưởng Tư pháp nói và đề nghị QH xem xét chấp thuận việc này.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-cua-cong-tac-giam-dinh-tu-phap-481051.html