Nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên

THS. NGUYỄN THANH SƠN (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Giải pháp xuất khẩu các sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên nói chung và xuất khẩu cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà và cao su nói riêng là một trong những định hướng phát triển kinh tế bền vững cho khu vực Tây Nguyên. Tây Nguyên có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, chính sách, giao thông làm cơ sở phát triển xuất khẩu… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như trình độ của người dân còn thấp, thiếu liên kết và chưa chú trọng. Bài viết tập trung vào phân tích giải pháp khắc phục nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên.

Từ khóa: sản phẩm chủ lực, xuất khẩu, Tây Nguyên, nông sản, hồ tiêu.

1. Đặt vấn đề

Tây Nguyên là vùng cao nguyên, thuộc vùng kinh tế, an ninh, chính trị đặc biệt quan trọng của Việt Nam, gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. So với các vùng khác, điều kiện kinh tế - xã hội của nơi đây có nhiều khó khăn, như thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, sự chung đụng của nhiều sắc dân trong một vùng đất nhỏ và mức sống còn thấp. Tuy nhiên, Tây Nguyên có những lợi điểm về tài nguyên thiên nhiên mà các vùng khác không có.

Sản phẩm chủ lực ở Tây Nguyên là cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà và cao su. Những năm qua, tuy toàn tỉnh đạt được những thành tựu nhất định về xuất khẩu nhưng đến thời điểm này vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng to lớn vốn có của địa phương. Với xu hướng hội nhập như hiện nay, có rất nhiều cơ hội lớn cũng như thách thức mới mà doanh nghiệp phải đối diện, vì vậy lựa chọn những chiến lược đúng đắn sẽ giúp đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Tây Nguyên.

Bài viết đề xuất giải pháp xuất khẩu sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên. Giải pháp được xây dựng thông qua việc hoạch định và lựa chọn chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế của vùng nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

2. Thành tựu và hạn chế trong xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên 2.1. Thành tựu

- Thương mại của Vùng thời gian qua đã ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế chung, như: Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP của Vùng; thông qua việc mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng nguồn cung ứng và thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là thông qua hoạt động xuất - nhập khẩu, thương mại đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm,…

- Sự phát triển của hoạt động xuất khẩu hàng hóa có đóng góp tích cực đối với tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và khai thác những tiềm năng thế mạnh của các tỉnh trong Vùng. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa có vai trò quan trọng đối với thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất của Vùng, với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh trong Vùng.

- Tốc độ phát triển của tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh vùng Tây Nguyên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo thu nhập cho người lao động.

- Các chính sách về quản lý hoạt động thương mại, đặc biệt là thương mại biên giới nói riêng đã được triển khai thực hiện thống nhất và làm lành mạnh quan hệ thương mại biên giới với các nước láng giềng. Các quy định pháp lý đã tạo cho không ít doanh nghiệp có nhiều cơ hội kinh doanh, trao đổi, buôn bán hàng hóa qua biên giới với các nước có chung đường biên giới và thông qua các nước này để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. Mặt khác, những đổi mới trong chính sách thương mại biên giới đã khuyến khích, thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp, các hộ gia đình, thương nhân, thương lái và cư dân biên giới tham gia vào hoạt động thương mại biên giới.

2.2. Hạn chế

- Thương mại tại vùng Tây Nguyên mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng do xuất phát điểm thấp nên xét về quy mô vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập và mức sống của dân cư còn gặp nhiều khó khăn nên quy mô, sức mua của thị trường còn hạn chế. Mặt khác, cơ cấu mặt hàng, ngành hàng lưu thông trên thị trường còn đơn giản, chủ yếu là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của dân cư cũng như một phần do tập quán tự cấp tự túc trong sản xuất còn phổ biến.

- Thương mại trong nước chưa gắn kết hiệu quả giữa sản xuất của dân cư với thị trường các tỉnh, khu vực khác trong cả nước. Nhiều sản phẩm hàng hóa của dân cư sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được do không tìm được đầu ra.

- Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa của khu vực còn chậm phát triển, với kim ngạch xuất nhập khẩu thấp, đáng chú ý là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu không ổn định, chủ yếu là hàng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa tạo được những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của Vùng,… Thị trường xuất - nhập khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường chủ yếu, hoạt động xuất - nhập khẩu chưa thực sự gắn kết giữa các ngành sản xuất của khu vực với thị trường thế giới.

3. Một số giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên

Thứ nhất: Cần nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực xuất khẩu.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chủ lực xuất khẩu như kỹ thuật trồng trọt và thu hái cà phê chưa tốt, tình trạng thu hái đồng loạt cả quả xanh, quả non còn khá phổ biến; cơ sở vật chất phục vụ sơ chế bảo quản cà phê còn thiếu thốn; cơ chế giá thu mua cà phê tươi chưa khuyến khích người sản xuất quan tâm đến chất lượng, nhất là khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại. Chính vì vậy, cần triển khai những biện pháp đồng bộ như thu hút các doanh nghiệp chế biến cà phê đầu tư vào các vùng trồng các sản phẩm chủ lực, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến khích người dân áp dụng kỹ thuật đảm bảo các tiêu chuẩn trong khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại. Chính phủ cần đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài về vốn, khoa học - công nghệ để xây dựng các nhà máy chế biến phục vụ cho xuất khẩu.

Thứ hai: Xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực khu vực Tây Nguyên.

Thương hiệu hàng hóa là bảng cam kết và chỉ dẫn quan trọng cho người tiêu dùng biết đến những tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm. Đây vừa là cách thức thâm nhập và củng cố vị thế của hàng hóa trên thị trường quốc tế, vừa là cách thức hữu hiệu bảo vệ quyền lợi của người sản xuất trong cạnh tranh quốc tế. Chúng cũng là tiêu chí thể hiện khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn và kỹ thuật của thị trường nước ngoài.

Thực tế cho thấy, Tây Nguyên có tiếng trên thế giới về sản xuất cà phê nhưng cho đến nay lại chưa có thương hiệu chung cho cả vùng. Mặc dù đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nhưng chỉ mới cấp cho hạt cà phê chứ không phải cho cà phê chế biến. Mặt khác, việc khai thác giá trị thương mại của chứng nhận này chưa cao, số cơ sở sản xuất đăng ký sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê còn ít.

Hồ tiêu cũng rơi vào tình trạng tương tự, Tây Nguyên có nhiều vùng trồng hồ tiêu chất lượng cao, có thể phát triển thành các sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng cao, song hiện tại mới có chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), tuy nhiên nhãn hiệu này lại ít có giá trị thương mại quốc tế do nhiều nước không chấp nhận;… Tình trạng thiếu thương hiệu quốc gia với hệ thống quy chuẩn về chất lượng đối với sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của vùng Tây Nguyên đã hạn chế việc kiểm soát, khuyến khích các tác nhân ngành hàng áp dụng quy trình để có sản phẩm chất lượng tốt, đồng đều. Vì vậy, giải pháp đối với vấn đề này là:

+ Cần xác định thế mạnh về sản phẩm chủ lực cho Tây Nguyên để tập trung nguồn lực xây dựng thế mạnh cho khu vực đó. Cần có một hệ thống pháp luật để các doanh nghiệp, hoặc các hiệp hội có thể đăng kí các quyền sở hữu và sử dụng nhãn hiệu cho chủng loại đặc trưng của địa phương mình, qua đó có thể tiếp tục xây dựng sản phẩm và hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

+ Cần phối hợp đồng bộ tất cả các khâu từ việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi cho đến trồng trọt, chăm bón, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Cần có chiến lược tổng thể với những chương trình hành động cụ thể liên kết các nhà khoa học, nông dân, nhà kinh doanh, các nhà tiếp thị, quảng bá, ngân hàng và các cơ quan chức năng cùng góp sức để xây dựng những tên tuổi của sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên.

+ Chính quyền địa phương cần tiếp tục có nhiều chương trình nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó có chương trình xây dựng thương hiệu. Có thể hỗ trợ dưới hình thức giúp đào tạo nhân lực, giúp thông tin tư vấn thị trường, tư vấn pháp lý cần thiết xây dựng thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng dự triển lãm ở nước ngoài,…

Thứ ba: Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị.

Hiện nay, liên kết chuỗi trong cà phê vẫn còn nhiều yếu kém như: Tổ chức của nông dân từ các tổ, nhóm hay hợp tác xã còn yếu; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê chủ yếu thu mua qua trung gian; sản xuất không liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế thu mua, phân loại chưa tạo động lực cho nông dân cải thiện chất lượng cà phê trong thu hái, sơ chế.

Để đẩy mạnh sự liên kết, cần phải tăng cường triển khai các dự án chia sẻ, chuyển giao kiến thức tại vùng thực địa. Mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê dựa trên ứng dụng công nghê thông tin, đẩy mạnh truyền thông để gắn kết 4 nhà: Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước, với mục đích khi nông dân muốn tăng quy mô sản xuất, có đầu ra, thị trường ổn định; Doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng được thương hiệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm khi có vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn; Chính phủ cần phát triển bền vững ngành hàng cà phê thành ngành hàng nông sản chủ lực.

Thứ tư: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản phẩm chủ lực xuất khẩu nói riêng.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ không chỉ đơn thuần là áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, tự động hóa,… vào trồng trọt mà quan trọng là thay đổi bản thân quy trình và công nghệ, quy luật sinh học, tạo ra các giống cây con ngắn ngày cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và kháng bệnh. Nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao phù hợp với các vùng sinh thái, đáp ứng yêu cầu đa dạng về sinh học và phát triển bền vững. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tập trung vào những lĩnh vực chính như chuyển đổi gen mang những tính trạng tốt vào giống cây trồng mà phương pháp chọn giống truyền thống không tạo ra được,…

Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát các loại chế phẩm liên quan đến việc cung ứng đầu vào cho sản xuất, cần phải nhanh chóng mở rộng các hình thức sản xuất sạch (GAP), phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chất kích thích tăng trưởng.

Thứ năm: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ và du lịch của Tây Nguyên. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ hiện tại, cần đầu tư xây dựng và nâng cấp hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và vùng Tây Nguyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

VN (2019), Nhiều cơ hội, thách thức trong sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên, ngày 13/05/2019, http://nature.org.vn/vn/2019/05/nhieu-co-hoi-thach-thuctrong-san-xuat-nong-nghiep-tai-tay-nguyen/.
Hằng Trần (2019), Giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu cà phê Việt, ngày 23/10/2019,https://bnews.vn/giai-phap-phat-trien-thi-truong-xuat-khau-ca-pheviet/138065.html
Trần Hoa Phượng (2013), Lợi thế xuất khẩu nông sản của Việt Nam sau khi gia nhập WTO, NXB Chính trị Quốc gia.

Boosting the export of the Central Highlands’s key products

Ph.D. Nguyen Thanh Son

Faculty of Business Administration

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Boosting the export of the Central Highlands’s key products, especially agricultural products like coffee, cocoa, pepper, mulberry, tea and rubber is a solution for the region’s sustainable economic development. The Central Highlands has many advantages in terms of natural conditions, policies and traffic to support the exports. However, there are some shortcomings limiting the exports of the Central Highlands. This paper analyzes solutions to overcome these shortcomings to promote the export of the Central Highlands’s key products.

Keywords: key products, export, the Central Highlands, agricultural products, pepper.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-gia-tri-xuat-khau-san-pham-chu-luc-cua-tay-nguyen-80480.htm