Nâng cao giá trị xuất khẩu cà-phê

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I-2021, xuất khẩu cà-phê cả nước đạt 428 nghìn tấn, trị giá 771 triệu USD, giảm 17% về lượng và 11,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu cà-phê tuy giảm về lượng và giá trị nhưng giá xuất khẩu lại tăng. Tính chung quý I, giá xuất khẩu cà-phê bình quân đạt 1.801 USD/tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I-2021, xuất khẩu cà-phê cả nước đạt 428 nghìn tấn, trị giá 771 triệu USD, giảm 17% về lượng và 11,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu cà-phê tuy giảm về lượng và giá trị nhưng giá xuất khẩu lại tăng. Tính chung quý I, giá xuất khẩu cà-phê bình quân đạt 1.801 USD/tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2020.

Những ngày đầu tháng 5, thị trường cà-phê robusta trong nước có nhiều khởi sắc, giá bán duy trì trong khoảng từ 32.000 đồng đến 34.000 đồng/kg. Cụ thể trong ngày 6-5, giá cà-phê tại huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà (Lâm Ðồng) thu mua ở mức 33.200 đồng/kg. Tại huyện Cư M’gar (Ðắk Lắk), giá cà-phê ở mức 33.900 đồng/kg. Tại Gia Nghĩa, Ðắk R’lấp (Ðắk Nông), giá cà-phê lần lượt ở mức 33.900 đồng và 33.800 đồng/kg… Trải qua nhiều năm giá bán liên tục lao dốc, tín hiệu tăng giá trong những ngày qua là động lực lớn cho người trồng cà-phê. Lý giải về nguyên nhân tăng giá, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường cà-phê đã trải qua chu kỳ giảm giá bốn năm liên tiếp, do đó ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người dân chuyển một phần diện tích cà-phê qua canh tác các loại cây trồng khác khiến sản lượng giảm. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia châu Á khiến việc xuất khẩu cà-phê robusta của nhiều nước bị chậm lại, sàn Luân-đôn (Anh) đã quay lại tăng mua.

Một thực tế là, người trồng cà-phê thường phải chịu cảnh thấp thỏm về giá bán. Chất lượng thấp và giá bán không cao vốn là bất cập trong nhiều năm nay của ngành hàng cà-phê. Hiện nay, các sản phẩm cà-phê của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà-phê nhân toàn cầu, đứng thứ hai sau Bra-xin. Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn 1,5 triệu tấn cà-phê nhưng lượng cà-phê xuất khẩu chủ yếu là cà-phê nhân, chiếm khoảng 90%, do đó, giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Thực tế, giá cà-phê nhân tại thị trường trong nước gần đây tăng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan chứ không hẳn do ngành cà-phê cải thiện mạnh về chất lượng.

Ðể tăng giá trị xuất khẩu, trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðã đến lúc ngành cà-phê cần tạo ra được sản phẩm đạt chất lượng cao ngay từ sản phẩm thô. Giá cà-phê tăng trở lại là "đòn bẩy" để người trồng cà-phê có điều kiện chăm sóc, tái đầu tư. Trên cơ sở này, cơ quan chức năng cần xây dựng một quy chuẩn khắt khe hơn từ sản xuất cho tới thu hoạch, tìm hướng nâng cao sản lượng, chất lượng cà-phê. Hiện nay, cách thu hoạch cà-phê của người dân còn tồn tại nhiều bất cập, chủ yếu áp dụng phương pháp hái tuốt cành. Khi cà-phê chín khoảng 40 đến 50%, người dân đã bắt đầu hái cả quả chín lẫn quả xanh khiến chất lượng cà-phê không đồng đều, nhiều hạt đen, dễ bị vỡ khi sơ chế, làm giảm giá trị lúc bán. Vấn đề này cần phải được khắc phục sớm. Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ đặc thù về vốn, khoa học - kỹ thuật để người dân có điều kiện đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất cũng như thực hiện việc tái canh. Chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân không trồng cà-phê ở những vùng ngoài quy hoạch. Ngoài việc nâng cao chất lượng cà-phê thì việc sở hữu các chứng nhận quốc tế sẽ giúp người trồng cà-phê có được giá bán ổn định, thậm chí ngay cả khi thị trường biến động về giá theo chiều hướng xấu, thì người dân vẫn có thể bán được sản phẩm với mức giá tối thiểu, bảo đảm lợi nhuận để có thể tái đầu tư...

Hà Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/nang-cao-gia-tri-xuat-khau-ca-phe-645354/