Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp

9 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn như giá lúa và cá tra xuống thấp, dịch tả heo Châu Phi bùng phát. Tuy nhiên, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến… góp phần nâng cao giá trị nông sản tỉnh nhà.

Cấy lúa bằng máy

Cấy lúa bằng máy

Tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng đầu năm giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (khu vực 1) đạt 33.870 tỷ đồng, bằng 99,4% so với cùng kỳ, giảm 196 tỷ đồng và bằng 82% kế hoạch năm. Ước cả năm 2019, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp sẽ đạt 42.800 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 3,02% so với năm 2018.

Theo ngành nông nghiệp, do giá lúa xuống thấp vào thời điểm thu hoạch, cộng với giá vật tư đầu vào, nhân công tăng nên lợi nhuận bình quân giảm so với năm 2018. Cụ thể, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2018-2019 là 3.143 đồng/kg, tăng 227 đồng/kg so với cùng mùa vụ nên lợi nhuận thu về trung bình đạt 18 triệu đồng/ha, giảm 8-10 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm trước. Đối với vụ hè thu, người nông dân thu về lợi nhuận dao động từ 8-10 triệu đồng, giảm 3-4 triệu đồng/ha so với vụ hè thu 2018. Do đó, giá trị ngành hàng lúa gạo 9 tháng đầu năm đạt khoảng 13.700 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ, tương đương 161 tỷ đồng.

Tình hình chăn nuôi gặp khó khăn nhất định do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả heo Châu Phi. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương tăng cường áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt, toàn tỉnh hiện có 5 tổ hợp tác chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học. Hiện tại, giá trứng đang giảm chỉ còn 1.200 - 1.400 đồng/trứng nên các hộ nuôi có xu hướng chạy đồng gần, bán trứng cho thương lái địa phương nên chưa khôi phục lại chuỗi liên kết cung ứng – sản xuất – tiêu thụ. Theo đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi 9 tháng đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ. Ngành cá tra cũng đang đối diện với những khó khăn khi giá cá tra tiếp tục giảm mạnh, ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên người nuôi bị thua lỗ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Một trong những điểm sáng của bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà là ngành hàng hoa kiểng tạo được sự kết nối giữa người dân với doanh nghiệp để phát triển du lịch. Trong 9 tháng đầu năm, diện tích trồng hoa kiểng là 2.000ha, thu về 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng thành công công nghệ nhân giống in-vitro, sản xuất hoa trong nhà màng, nhà lưới với hệ thống cảm biến điều khiển tự động, tạo điều kiện để người dân tham quan, học tập và ứng dụng vào sản xuất.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất một số loại cây ăn trái chủ lực như xoài, nhãn, cây có múi phát triển ổn định, xây dựng các mô hình sản xuất sạch, an toàn. Tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành hàng xoài, ngành nông nghiệp hướng dẫn, tập huấn nhà vườn canh tác loại nông sản này đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để tham gia xuất khẩu. Đến nay, trái xoài của Đồng Tháp đã thâm nhập được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, gần đây là nước Mỹ... Ước giá trị sản xuất cây ăn trái 9 tháng đầu năm đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, tương đương 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2019 tăng khoảng 3%. Tuy nhiên, thống kê tăng trưởng chỉ dựa trên tăng diện tích, tăng vụ trong khi ngành nông nghiệp đang đối diện chi phí sản xuất tăng, chất lượng thấp... đe dọa tính bền vững của tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Định hướng sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững

Trước những dự báo về những thách thức, thuận lợi, ngành nông nghiệp định hướng sản xuất NN&PTNT năm 2020 với mục tiêu là đưa sản xuất NN&PTNT gắn với nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên tinh thần tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất. Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị, có thị trường mang lại hiệu quả cao cho các sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2020 đạt gần 44.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 3,5% so với năm 2019. Năm 2020, tiến đến thành lập mới 39 hợp tác xã nông nghiệp; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh kể cả lắng lọc đạt 100%; có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 78 xã và Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM...

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, để phát triển ngành nông nghiệp, thời gian tới, đơn vị tập trung vào các giải pháp trọng tâm. Đối với giải pháp sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường đi cơ sở nhằm nắm bắt những khó khăn kịp thời để hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, tư vấn và cung cấp cho nông dân các giải pháp về cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch; hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức lại sản xuất theo quy trình sản xuất đạt chuẩn gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp. Đồng thời củng cố và thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu nhằm tham gia chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phân tích và đánh giá các điểm nghẽn của từng chuỗi cung ứng ngành hàng chủ lực để đề xuất những giải pháp thật cụ thể, sát thực tế; mở rộng ứng dụng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đối với giải pháp thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô, tập trung; thực hiện tốt công tác thông tin thị trường; xây dựng nhãn hiệu, cải tiến và phát triển bao bì hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...

Định hướng phát triển kinh tế xã hội năm 2020, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, ngành nông nghiệp cần nhận diện những tác động đến sản xuất cũng như nhu cầu thị trường, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân. Trên tinh thần đó, Nhà nước cần thể hiện vai trò kiến tạo để nông dân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng giá trị tăng thêm nông sản...

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/nang-cao-gia-tri-gia-tang-phat-trien-ben-vung-trong-san-xuat-nong-nghiep-87286.aspx