Nâng cao giá trị của nấm hương bằng tách chiết hoạt chất hỗ trợ điều trị ung thư

Sau gần 20 năm nghiên cứu, ứng dụng và triển khai thành công, quy trình sử dụng sóng siêu âm để trích ly hoạt chất Lentinan từ nấm hương của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích tháng 9/2020.

Với thành công của quy trình này, nhóm tác giả của Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã thu được hàm lượng lentinan cao gấp 1,6 lần và lượng chất khô hòa tan gấp 2 lần với thời gian lại ngắn hơn 30 lần so với phương pháp truyền thống.

Nấm hương (lentinula edodes) là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực châu Á. Từ lâu, hoạt chất Polysaccharid lentinan trong nấm hương vẫn được sử dụng để giúp chống lại các khối u bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch. Lentinan đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển và lây lan của các tế bào bệnh bạch cầu. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, dạng tiêm của lentinan được sử dụng cùng với hóa trị và các phương pháp điều trị ung thư chính khác để cải thiện chức năng miễn dịch và chất lượng cuộc sống ở những người bị ung thư dạ dày.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh được rằng, bệnh nhân ung thư trong thời gian hóa trị nếu sử dụng lentinan sẽ giúp kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, tăng hiệu quả hóa trị, kéo dài cuộc sống. Vì thế, việc tách chiết lentinan tại Nhật Bản đã trở thành một ngành công nghiệp lớn mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu USD.

Nấm hương là sản phẩm phổ biến ở Việt Nam .

Nấm hương là sản phẩm phổ biến ở Việt Nam .

Ở Việt Nam, nấm hương chủ yếu được dùng làm thực phẩm, hoặc chiết xuất các hoạt chất theo phương pháp truyền thống là nghiền, khuấy trộn và dùng áp suất để phá vỡ tế bào chứa các hoạt chất bên trong. Nhưng phương pháp này có nhược điểm là hàm lượng chất tan thu được trong dịch chiết không cao, trong khi mất nhiều thời gian và chi phí cao. Việc chiết xuất bằng phương pháp thẩm thấu hóa màng ngăn từ bên ngoài tế bào bằng cách sử dụng dung môi hữu cơ thì lại cần tới 6 giờ, trong khi giá thành cao mà hoạt chất thu được vẫn phải tiếp tục tách chiết mới dùng được.

Trước tình hình này, Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã bắt tay vào nghiên cứu việc sử dụng sóng siêu âm để chiết xuất lentinan từ nấm hương. Với các nghiên cứu cơ bản cho đến ứng dụng được tiến hành trong gần 20 năm qua, đến nay, nhóm tác giả của Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã làm chủ công nghệ trích ly lentinan từ nấm hương. Quy trình công nghệ này sẽ giúp loại nấm rất phổ biến ở Việt Nam “bước lên” thành một loại dược liệu quý, đồng nghĩa với việc giúp tăng giá trị cho ngành nấm của Việt Nam.

Sản phẩm từ quy trình trích ly hoạt chất từ nấm bằng sóng siêu âm. Ảnh: NVCC.

Với quy trình 4 bước, các nhà khoa học đã trích ly được lentinan từ nấm hương: Nấm được lựa chọn kỹ, đảm bảo tiêu chí sạch, đạt an toàn rồi được đưa vào nghiền thành bột. Sau đó bột nấm hương thu được đưa vào hệ thống trích ly bằng sóng siêu âm với tỷ lệ dung môi/nguyên liệu là 8/1 (lít/kg), nhiệt độ 65oC, trong 6 phút. Cuối cùng tách bã, dịch thu được đem tinh chế để thu chế phẩm hoạt chất lentinan.

Kết quả cho thấy công nghệ trích ly bằng sóng siêu âm thu được lượng lentinan đạt khoảng 5,4% và lượng chất khô khoảng 17% so với nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, theo phương pháp truyền thống ở nhiệt độ khoảng 98oC trong 180 phút, dịch trích ly thu được hàm lượng lentinan đạt khoảng 4% và lượng chất khô thu được đạt khoảng 8%. Kết quả này chứng tỏ sự thành công của công nghệ sóng siêu âm, khi cho hàm lượng lentinan cao gấp 1,6 lần và lượng chất khô hòa tan cũng cao gấp 2 lần trong khi thời gian trích lý giảm đi khoảng 30 lần.

Đáng chú ý là, phương pháp trích ly hoạt chất trong nấm bằng sóng siêu âm còn được nhóm nghiên cứu áp dụng thành công với nấm linh chi, nấm đầu khỉ.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục hoàn thiện công nghệ để vừa chiết suất được tối đa hàm lượng hoạt chất, vừa tiết kiệm năng lượng, tăng thêm độ tinh khiết cho hoạt chất vv… nhằm vừa làm chủ công nghệ, vừa nhanh chóng thương mại hóa sản phẩm. Chính vì luôn đặt mục tiêu phải đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp với các sản phẩm độc đáo để có ưu thế cạnh tranh, mà ngay từ khi được nghiên cứu hoàn chỉnh phương pháp này, các tác giả đã chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp để trích ly hoạt chất từ nấm.

Hệ thống thiết bị trích ly với hỗ trợ bằng sóng siêu âm. Ảnh: NVCC.

Được biết hiện hệ thống thiết bị trích ly với hỗ trợ sóng siêu âm đang được sử dụng trong các doanh nghiệp có quy mô 1.000 lít hoạt chất chiết xuất mỗi mẻ. Với quy mô như vậy, việc chiết xuất các hoạt chất hữu ích từ nấm không chỉ hữu ích với ngành dược phẩm mà còn mở ra cơ hội áp dụng vào nông nghiệp như nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cẩm… để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giảm việc sử dụng quá mức kháng sinh và hóa chất độc hại.

Bích Ngọc

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/nang-cao-gia-tri-cua-nam-huong-bang-tach-chiet-hoat-chat-ho-tro-dieu-tri-ung-thu-625335/