Nâng cao giá trị cho nông sản chủ lực

Với Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp đặc trưng đã được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, chế biến sâu… Cách làm này không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội phát triển mà còn nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của các vùng miền.

OCOP - tạo vị thế mới cho nông sản

Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay 11/11 huyện, thành phố của Sơn La đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Trong đó có 3 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, là: Chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La. Một số sản phẩm chế biến từ trái cây và trái cây tươi đã xuất khẩu được sang Mỹ, Úc… Năm 2019, Sơn La đã có 28 sản phẩm OCOP (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao). Nhiều sản phẩm được chế biến sâu như: Mận, chè xanh, xoài, tỏi…

Tháng 12/2019, tỉnh Hà Giang đã khai trương điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại 68 Hàng Bông, Hà Nội

Tháng 12/2019, tỉnh Hà Giang đã khai trương điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại 68 Hàng Bông, Hà Nội

Giống như Sơn La, Bắc Kạn đã đặt quyết tâm cao khi coi OCOP là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để phát triển lợi thế và các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã công nhận 105 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (97 sản phẩm 3 sao; 8 sản phẩm 4 sao). Hiện, các sản phẩm OCOP: Hồng không hạt, miến dong, cam, quýt, gạo bao thai, gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch, tinh bột nghệ cao cấp Cucumin... của Bắc Kạn đang được nhiều khách hàng tin tưởng, lựa chọn.

Theo ông Ngô Tất Thắng - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP mới được triển khai rộng từ tháng 5/2018, song đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Năm 2020, Chương trình OCOP đặt mục tiêu tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng ít nhất 1.200 sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia lần thứ nhất vào quý III/2020. Triển khai thực hiện từ 8 - 10 mô hình Làng Văn hóa du lịch. Đồng thời, phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP…

Để sản phẩm OCOP không “chết yểu”

Hiện, các tỉnh vẫn đang tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP. Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, kế hoạch, tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm (vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm).

Tuy nhiên, thực tế triển khai Chương trình OCOP ở một số địa phương cho thấy đã xuất hiện tư tưởng nóng vội; thậm chí xem đây là một “phong trào”, dẫn đến việc không thực hiện đúng theo chu trình xây dựng sản phẩm OCOP đã được quy định.

Ông Đàm Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Cách Linh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng nêu ví dụ: Địa phương này đang đăng ký 2 sản phẩm là vịt quay và phở chua. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này theo tiêu chí của Chương trình OCOP để được đánh giá, phân hạng lại không hề đơn giản khiến cho xã Cách Linh vẫn còn lúng túng. Chưa kể đến việc, vịt quay và phở chua đều là sản phẩm tươi, không thể để lâu ngày và đòi hỏi công nghệ chế biến, đặc biệt là bảo quản cao.

Hạn chế mà Chủ tịch Đàm Văn Quang nêu ra cũng là khó khăn của nhiều địa phương khi triển khai Chương trình OCOP. Bởi thực tế, đa phần các địa phương gặp khó trong tiếp cận công nghệ, cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu. Trong đó, đáng chú ý là kiến thức: Quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; công nghệ sản xuất, chế biến, xúc tiến bán hàng, marketing,... của các chủ thể sản phẩm OCOP còn yếu và thiếu, khiến nhiều sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ “chết yểu” khi xây dựng được thương hiệu, nhưng chất lượng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-gia-tri-cho-nong-san-chu-luc-135027.html