Nâng cao giá trị chế biến thủy sản

Mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng hoạt động chế biến thủy sản của Quảng Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, trong thời gian tới, để khai thác tối đa năng lực sản xuất, chế biến thủy sản, ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ. Ảnh: Hoàng Nga

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ. Ảnh: Hoàng Nga

Đối với chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa, hiện trên địa bàn tỉnh có 100 cơ sở. Các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, chả mực, thủy sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, hàu sữa chưng thịt, sứa muối phèn... Phần lớn các sản phẩm này đã được xây dựng thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đến nay, 100% các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP (“Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn”, được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm).

Tổng sản lượng thủy sản cả năm 2020 ước đạt 146.510 tấn, đạt 107,7% so với kế hoạch, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác đạt 69.603 tấn; nuôi trồng đạt 76.907 tấn.

Đối với chế biến thủy sản xuất khẩu, hiện toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp. Trong đó, có 1 công ty chế biến sứa và 4 công ty xuất khẩu thủy sản đông lạnh với trang thiết bị hiện đại. Công suất cấp đông trung bình 100 tấn/ngày, công suất kho lạnh 6.700 tấn, công suất hầm đông đạt 200 tấn/ngày. Tổng công suất sản phẩm đạt khoảng 7.500 tấn/năm.

Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của tỉnh rất thấp, chỉ khoảng 25%, còn lại chủ yếu được nhập từ địa phương khác. Nhất là đối với sản phẩm mực chế biến xuất khẩu, gần như được nhập khẩu 100% từ các nước trong khu vực và trên thế giới, sau đó chế biến tái xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do thương lái của Việt Nam và Trung Quốc sang thu gom rồi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Người dân lựa chọn sản phẩm ruốc hàu tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2020.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu với các doanh nghiệp phía Trung Quốc, ngành chế biến thủy sản còn bị hạn chế bởi đa số dây chuyền công nghệ lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là chế biến thô giá trị không cao, điều kiện sản xuất thiếu vệ sinh, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, gây khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguồn gốc.

Thậm chí có doanh nghiệp có mã xuất khẩu thủy sản nhưng không có sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác. Một số đơn vị có đầu tư hạ tầng nhưng sản phẩm sau khi chế biến chưa có doanh thu cao như kỳ vọng. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản hoạt động chỉ đáp ứng 30% công suất thiết kế dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế thấp.

Để khắc phục những hạn chế kể trên, ngành thủy sản nói chung và ngành công nghiệp chế biến thủy sản nói riêng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng cao năng lực chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đạt giá trị gấp 1,7-1,9 lần so với năm 2019 và đến năm 2030 đạt giá trị gấp 2,3-2,5 lần so với năm 2019. Cùng với đó, ngành sẽ xây dựng mới nhà máy chế biến, bảo quản áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến các sản phẩm thủy hải sản gắn với trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc bộ (tại huyện Cô Tô và huyện Vân Đồn).

Đồng thời, phát triển mới nhà máy chế biến thủy sản tại Móng Cái tập chung chế biến tôm nguyên liệu trong và ngoài tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, công suất thiết kế trung bình mỗi nhà máy đạt từ 15.000-20.000 tấn nguyên liệu/năm.

Sản xuất nước mắm sá sùng ở Công ty CP Thủy sản Cái Rồng (Vân Đồn). Ảnh: Hà Phong

Cùng với việc nâng cao năng lực chế biến, ngành thủy sản sẽ hướng đến công nghệ bảo quản sau thu hoạch trong lĩnh vực khai thác để gia tăng chất lượng nguồn nguyên liệu cho chế biến. Những tàu có công suất lớn sẽ được áp dụng các công nghệ bảo quản mới như: Bảo quản bằng nước biển lạnh, sử dụng hầm cách nhiệt, sử dụng thiết bị lạnh trong các khoang chứa...

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, định hướng trong giai đoạn tới, để phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản, Sở sẽ phát triển cơ sở chế biến gắn với khu công nghiệp và theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu. Trong đó, ưu tiên ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; thực hiện truy nguồn gốc bằng tem điện tử mã QR-Code; giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng; chú trọng nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thủy sản nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, văn hóa tiêu dùng.

Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư công trong lĩnh vực chế biến thủy sản theo hướng địa phương xây dựng cơ chế chính sách, các thành phần kinh tế tham gia tự trực tiếp xây dựng, vận hành và phát triển... Đặc biệt, kêu gọi các doanh nghiệp triển khai thực hiện phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh...

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202012/nang-cao-gia-tri-che-bien-thuy-san-2512636/