Nâng cao giá trị cây ngô

Được xem là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện vùng cao, cây ngô có vai trò quan trọng đối với đời sống của nông dân miền núi phía Bắc. Đây vừa là cây lương thực chủ đạo vừa là cây hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng đối với vùng trồng ngô Mèo Vạc (Hà Giang) nhằm giúp bà con tăng năng suất, đa dạng hóa sản phẩm.

Từ ứng dụng công nghệ nano trong xử lý hạt giống ngô...

Đầu tháng 4/2019, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phối hợp với huyện Mèo Vạc triển khai mô hình thí điểm “Ứng dụng công nghệ nano kim loại trong xử lý hạt giống ngô” tại xã Niêm Sơn. Đây là công nghệ mới được ứng dụng trong việc xử lý hạt giống trước khi đưa ra trồng nhằm kích thích nảy mầm, phát triển rễ, thân lá và tăng khả năng sinh trưởng, khả năng chống chịu hạn và bệnh, tăng năng suất cây trồng. Công nghệ này đã được thực hiện tại các tỉnh Cao Bằng, Sơn La và cho kết quả khả quan. Tại Mèo Vạc, việc triển khai ứng dụng nano kim loại trong xử lý hạt giống ngô được thí điểm tại xã Niêm Sơn, nơi có lượng mưa thấp với diện tích hơn 2 héc-ta. Mô hình sẽ được đánh giá kết quả vào cuối vụ, nếu đạt kết quả tốt sẽ đưa ra sản xuất đại trà.

Thu hoạch ngô

Thu hoạch ngô

Đây là mô hình thí điểm mới, lần đầu tiên công nghệ nano được nghiên cứu, ứng dụng trên địa bàn huyện. Qua đó, lãnh đạo huyện Mèo Vạc mong muốn Viện Khoa học Vật liệu tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ mới trong xử lý giống sẽ là tiền đề để nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân.

… đến sản xuất bún ngô

Ngô vốn chỉ biết đến dùng làm “mèn mén” trong bữa ăn thường ngày của đồng bào Mông. Ngày nay, cùng với sự phát triển tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, một số người dân tại thị trấn Mèo Vạc đã tận dụng thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương vào sản xuất bún để phục vụ bà con. Đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phải kể đến cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Hồng ở tổ 5 thị trấn Mèo Vạc. Bản thân chị Hồng đã học hỏi kinh nghiệm làm bún từ nguyên liệu ngô tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Nhận thấy quy trình làm bún khá dễ, chị mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bún ngô phục vụ nhu cầu của bà con. Sản phẩm bán ra thị trường bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định và được bà con đón nhận. Quy trình sản xuất bún ngô cơ bản cũng giống như sản xuất bún gạo gồm: Ngâm hạt ngô đem ra máy nghiền tách vỏ, sau đó ngâm tiếp vài tiếng đồng hồ rồi đem ra nghiền thành bột và ép mịn, cuối cùng đổ vào máy nấu bún cho ra sản phẩm. Sản phẩm mới bước đầu được khách hàng đánh giá cao bởi hương vị thơm ngon, lạ miệng. Đặc biệt, đây là sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm với 100% nguồn nguyên liệu là giống ngô địa phương của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Sản phẩm được sản xuất trong hệ thống dây chuyền khép kín, hiện đại, sạch sẽ nên không chỉ đồng bào và các quán ăn trên địa bàn tin dùng mà cả du khách đến Mèo Vạc cũng thích thú với món ăn lạ miệng và an toàn này. Dù mới chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ nhưng hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất bún của chị Hồng cung cấp 5 - 6 tạ bún ra thị trường.

Sản xuất bún ngô

Mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại trong sản xuất, hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm bún ngô Mèo Vạc sẽ được đông đảo thực khách tin tưởng sử dụng. Hiện cơ sở đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra các địa phương khác. Sản phẩm bún ngô cũng được đánh giá là sản phẩm có mức tiêu thụ cao, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Phương Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-gia-tri-cay-ngo-119333.html