Nâng cao giá trị cam Vạn Yên

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, xã Vạn Yên (Vân Đồn) đã có cách làm riêng để phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP cam Vạn Yên. Từ cây đặc sản có nguy cơ suy giảm, nay cam Vạn Yên đã trở thành một sản phẩm OCOP có thương hiệu, có vùng trồng quy mô, ổn định.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên thì cam Vạn Yên vốn là giống bản địa, quý, có từ lâu đời. Ngoài hợp thổ nhưỡng, Vạn Yên còn có nguồn nước tưới rất sạch và dồi dào từ các khe suối, cộng với khí hậu ôn hòa nên cây cam rất hợp với đất này. Cam Vạn Yên vỏ mỏng, mùi thơm, vị ngọt. Phát huy giống quý này, người dân Vạn Yên ngày càng ý thức gìn giữ và phát huy giá trị cây trồng này.

Thu hoạch cam sáp đặc sản ở hộ gia đình chị Lê Thị Bảy, thôn 10/10, xã Vạn Yên (Vân Đồn).

Thu hoạch cam sáp đặc sản ở hộ gia đình chị Lê Thị Bảy, thôn 10/10, xã Vạn Yên (Vân Đồn).

Những năm gần đây, người trồng cam Vạn Yên ngày càng có ý thức phát triển sản phẩm này theo hướng sạch, canh tác không sử dụng hóa chất, rất được ưa chuộng trên thị trường. Cam Vạn Yên trước chủ yếu được trồng ở các thôn 10/10, Cái Bầu và một phần nhỏ ở thôn Đài Mỏ sau bị thu hẹp lại do diện tích canh tác lúa và các cây trồng khác hiệu quả hơn.

Thế nhưng, ít ai biết rằng đặc sản này có thời điểm đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh. Cam Vạn Yên cũng có một giai đoạn khó khăn do kém hiệu quả, thoái hóa giống mà nhiều người lựa chọn cây keo hoặc các cây công nghiệp khác thay thế.
Ngoài các dự án bảo tồn, phục tráng giống cam quý, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng cây cam của Nhà nước, không ít hộ trồng cam ở vùng đất này vẫn gắn bó, tìm cách giữ, cải tạo giống, chất lượng cây cam quý này. Tiêu biểu như các hộ gia đình chị Lê Thị Bảy, anh Trần Văn Hậu... Nhờ đó mà diện tích cam được phục hồi và ngày càng được nhân rộng.

Để phục hồi giống cam này, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực tổ chức các chương trình tập huấn, "cầm tay chỉ việc”. Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương được mời về chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất cây giống bằng công nghệ ghép để có hệ số nhân giống cao hơn. Sở KHCN nghiên cứu trị bệnh vàng lá, trồng cây mới, loại bỏ cây cam bệnh, kém chất lượng…

Thường niên, xã Vạn Yên cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thu hoạch cam; tham quan học tập kinh nghiệm chăm bón ở vùng trồng Cao Phong và các vùng trồng cam lớn. Nhờ vậy mà từ năm 2015, số hộ trồng cam liên tục tăng trung bình 20-30 hộ/năm. Vùng trồng cam đặc sản vì thế cũng nhanh chóng được phục hồi.
Trong xu thế phát triển của kinh tế hàng hóa, của thị trường, người dân trồng cam Vạn Yên đã biết thành lập các HTX cam nhằm cùng nhau nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu. Theo đó, đầu tiên là sự ra đời của HTX Nông trang Vạn Yên tháng 7/2014 sau đó là HTX Cam 10/10, tập hợp phần lớn các hộ trồng cam tham gia. Các hộ quy ước chăm sóc cam, thu hái theo định hướng sản phẩm sạch, tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2015, cam Vạn Yên tham gia và được công nhận là sản phẩm OCOP. Cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của các HTX nhờ đó cũng quy củ, khoa học hơn. Các HTX là đầu mối kết nối với các thương lái, thống nhất giá thành sản phẩm, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng tới giá tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, HTX cũng là đầu mối triển khai, đổi mới các mẫu mã bao bì sản phẩm; tem nhãn, xuất xứ hàng hóa... Điều này đảm bảo thương hiệu cam Vạn Yên, "đánh bật" được cam Trung Quốc và các sản phẩm nhái thương hiệu trên thị trường; bước đầu hình thành chuỗi tiêu thụ. Qua đó, từng bước tạo dựng thương hiệu cam Vân Đồn thành nông sản an toàn, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ được quan tâm, cách làm riêng, cam Vạn Yên ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Nhờ đó, những năm qua, sản phẩm cam Vạn Yên được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, đạt giá trị trung bình trên 30.000 đồng/kg-40.000 đ/kg. Vùng trồng cam được mở rộng, thu nhập của người trồng cam ngày càng tăng cao. Tới nay, xã đã có 186 hộ trồng cam, tổng diện tích trồng lên tới 184 ha. Thu nhập cho các hộ trồng cam khá cao, trung bình đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến sản lượng cam năm 2020 đạt trên 150 tấn.

Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: Trong thời gian tới, cùng với cơ chế chính sách của Nhà nước, xã sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ kỹ thuật, giống vốn để các hộ yên tâm sản xuất. Đồng thời khuyến khích các mô hình tổ hợp, HTX nhằm giúp các hộ có ý thức hơn trong việc chăm bón, sản xuât sạch; khuyến khích hình thành các chuỗi tiêu thụ, đảm bảo tốt đầu ra.

Hà Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/nang-cao-gia-tri-cam-van-yen-2499784/