Nâng cao giá trị cà phê Việt

Là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng Việt Nam lại nằm ở vị trí rất thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cà phê. Sử dụng giống tốt, đẩy mạnh tốc độ tái canh và tăng cường chế biến sâu là yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị cho cà phê Việt Nam.

Sản lượng lớn, giá trị thấp

Tây Nguyên đang chính vụ thu hoạch cà phê. Thay vì niềm vui được mùa, được giá như những năm trước, những ngày này, đi đâu chúng tôi cũng gặp những tiếng thở dài và ánh mắt lo âu của người trồng cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa), cả nước hiện có gần 650.000ha cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên với khoảng 577.000ha. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu gần 1,57 triệu tấn, với kim ngạch 3,5 tỷ USD. Dù đứng thứ hai thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê, chiếm 15% sản lượng cà phê toàn thế giới, gần 19% về thương mại và đứng thứ 4 thế giới về diện tích (sau Brazil, Indonesia và Colombia) nhưng Việt Nam lại đứng “áp chót” trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu và người trồng cà phê liên tục chịu rủi ro bởi sự trồi sụt thất thường của giá cả thị trường. Nguyên nhân do giống kém, công nghệ chế biến yếu, chiến lược marketing và phân phối sản phẩm còn nhiều bất cập.

Phần lớn diện tích cà phê Việt Nam là cà phê vối (robusta), chiếm khoảng 90% diện tích và sản lượng. Đây là giống cà phê cho năng suất cao, khả năng chống chọi với sâu bệnh tốt nhưng hương vị kém hơn cà phê chè (arabica). Trên thị trường thế giới, cà phê vối chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng giao dịch và giá thường chỉ bằng ½ so với cà phê chè. Những nhà chế biến cà phê hàng đầu thế giới ít ưa chuộng loại cà phê này. Đây chính là nguyên nhân khiến sản lượng cà phê Việt Nam dù rất cao nhưng giá trị lại thấp.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuỗi giá trị ngành hàng cà phê toàn cầu bao gồm các hoạt động chính: Sản xuất nguyên phụ liệu, trồng trọt, chế biến thô và rang xay, marketing và phân phối sản phẩm. Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào khâu trồng trọt và chế biến thô, trong khi các hoạt động này chỉ tạo ra khoảng 10% trong chuỗi giá trị, tỷ suất lợi nhuận vô cùng thấp.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Vicofa, cho biết: “Giá cà phê Việt Nam hiện phụ thuộc giá sàn London, chịu sự chi phối của các nhà đầu tư tài chính, khiến giá lên xuống bất thường”. Mặc dù đã chú trọng nhiều hơn đến việc xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay, hòa tan và các sản phẩm khác) nhưng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, 90% sản lượng cà phê Việt Nam vẫn được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Cà phê chế biến chỉ chiếm 7,7% về lượng và 13,3% về giá trị. Việc xuất khẩu nguyên liệu thô là chủ yếu khiến hầu hết giá trị thặng dư của cà phê Việt “chảy” vào túi các nhà chế biến và phân phối cà phê quốc tế.

Bên cạnh những nguyên nhân trên thì quy trình chăm sóc cũng như công nghệ thu hái, sơ chế, bảo quản còn nhiều bất cập khiến cho sản lượng cà phê bị thất thoát, chất lượng cà phê giảm, ảnh hưởng tới giá trị cũng như sức cạnh tranh của cà phê Việt.

Sử dụng giống tốt, đẩy mạnh tái canh và chế biến sâu

Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam” diễn ra ở tỉnh Đắc Nông vừa qua, các chuyên gia cà phê dự báo, thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới tiếp tục tăng mạnh. Việt Nam đang có cơ hội nhân đôi sức mạnh cho ngành cà phê với tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê dự kiến tăng khoảng 200% so với hiện tại và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên thì ngay từ bây giờ, ngành cà phê cần nhanh chóng thay đổi mô hình sản xuất từ chạy theo số lượng chuyển sang chất lượng. Tuy nhiên vấn đề đầu tiên đặt ra là cần chuyển đổi các giống cà phê vối năng suất thấp sang các loại giống cho năng suất cao, nhất là chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cà phê chè. Thật mừng, đây là chủ trương đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Vicofa khuyến cáo các địa phương những năm gần đây. Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 20.000ha cà phê chè đang mang lại giá trị cao. Thời gian qua, tỉnh đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất”, vùng chuyên canh cà phê chè. Địa phương cũng đang tiến hành nhân rộng các giống cà phê cao cấp như Tybica, Bourbon, Moka nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường và nâng cao giá trị cho cà phê địa phương”.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, 87% diện tích cà phê cả nước được trồng từ trước năm 2000, trong đó diện tích cà phê có tuổi đời từ 20 năm trở lên khoảng 198.000ha, năng suất thấp. Trong vòng 8 năm trở lại đây, có khoảng 80.000ha cà phê già cỗi được tái canh. Như vậy, diện tích cà phê già cỗi cần tái canh trong những năm tới còn hơn 110.000ha, chưa kể diện tích già cỗi tiếp tục phát sinh. Đây chính là thách thức cần phải vượt qua nếu Việt Nam muốn giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Để đạt được mục tiêu này thì nguồn tín dụng phục vụ tái canh cà phê cần tiếp tục được ưu tiên với thủ tục đơn giản, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến chất lượng giống tái canh bởi thực tế thời gian qua cho thấy, không ít vườn cà phê sau khi tái canh không đạt hiệu quả do người dân sử dụng giống trôi nổi, không bảo đảm chất lượng.

Theo đại diện của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có gần 100 cơ sở chế biến cà phê nhân, 600 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 7 nhà máy chế biến cà phê hòa tan. Công suất cà phê rang xay và hòa tan mỗi năm đạt khoảng 273.000 tấn. Để nâng cao tỷ lệ cà phê chế biến, cần đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu công nghệ chế tạo, chuyển giao dây chuyền công nghệ chế biến phù hợp với quy mô sản xuất và nhu cầu thị trường, giảm công nghệ chế biến khô, tăng cường công nghệ chế biến ướt nhằm giúp cà phê giữ được chất lượng và hương vị; chú trọng xúc tiến thị trường nội địa và mở rộng thị trường ở nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc; rút ngắn khoảng cách giữa người trồng với người sử dụng cà phê trong nước và quốc tế.

Không chỉ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, cà phê còn là sinh kế của hơn 600.000 hộ nông dân trong cả nước. Không chỉ có giá trị kinh tế, cà phê còn đóng vai trò quan trọng đối với an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Do đó, quan tâm đầu tư để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và các địa phương đang trồng và chế biến cà phê.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-cao-gia-tri-ca-phe-viet-558257