Nâng cao đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư phát triển bền vững, thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm tập trung nguồn lực, có nhiều chính sách thiết thực đối với khu vực này.

Xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư phát triển bền vững, thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm tập trung nguồn lực, có nhiều chính sách thiết thực đối với khu vực này.

Qua đó góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần

Hơn 11.500 người dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Thạch Thất hiện sống tập trung tại ba xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung. Ðây là ba xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Sau 12 năm sáp nhập về Thủ đô, với nguồn lực đầu tư tập trung, từ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, đến nay ba xã đã có cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao. Chánh Văn phòng HÐND - UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho biết: Triển khai thực hiện Kế hoạch 166 ngày 30-1-2012 và Kế hoạch 138 ngày 15-7-2016 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội, giai đoạn 2015 - 2019, ba xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung đã triển khai 46 dự án với tổng mức đầu tư gần 407 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, trường học, cải tạo và xây mới công trình thủy lợi, chợ.

Ðến nay, đã xây mới 31 đường giao thông, 14 nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa thể thao xã Yên Bình, 88 phòng học, chợ Yên Trung; xây dựng, nâng cấp 12 km mương thủy lợi. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 44 triệu đồng/người/năm, tăng tám triệu đồng so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đến cuối năm 2019 còn 0,82%, giảm 22% so với năm 2016. 100% số hộ gia đình được sử dụng lưới điện quốc gia, tất cả ba xã đều đạt tiêu chí quốc gia về y tế, được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới… Bà Nguyễn Thị Cầu, người dân tộc Mường ở xã Yên Trung, chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, thành phố và địa phương, khu vực các xã miền núi giờ đã có điện, đường bê-tông liên thôn, liên xã đi lại thuận tiện, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Hà Nội hiện có gần 108 nghìn người DTTS sinh sống ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó cư trú tập trung theo cộng đồng tại 14 xã của năm huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Ðức. Những năm qua, thành phố đã dành hơn 2.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 224 dự án thuộc các lĩnh vực: Y tế, thủy lợi, nước sạch, văn hóa, trường học, giao thông ở 14 xã có người DTTS sinh sống tập trung. Phó Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Ánh Dương nhận định: Các chương trình, dự án, chính sách đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Ðến nay, tất cả các xã miền núi đã có mạng lưới điện quốc gia. Ðời sống của đồng bào được cải thiện, trình độ dân trí ngày một nâng cao. Nhiều tệ nạn xã hội và các hủ tục dần được đẩy lùi.

Chú trọng hiệu quả đầu tư

Dù điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng các xã vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, song trên thực tế để rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa các xã miền núi với các xã vùng đồng bằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ðợt khảo sát mới đây về tình hình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 của các ban HÐND thành phố Hà Nội cho thấy vẫn cần tiếp tục đầu tư cho khu vực này.

Kết quả khảo sát cho thấy, công tác đầu tư, triển khai dự án tại các địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống còn chậm. Theo Kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 của UBND thành phố, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Quốc Oai được phê duyệt 58 dự án, nhưng đến nay mới triển khai được 14 dự án. Tương tự, huyện Mỹ Ðức được duyệt 27 dự án, nhưng đến nay mới có 13 dự án thực hiện. Huyện Thạch Thất kiến nghị, với những dự án đã được phê duyệt tỷ lệ 1/500, nhưng chưa triển khai thì nên triển khai sớm, giúp huyện tập trung phát triển sản xuất.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HÐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga đánh giá: Việc đầu tư các chương trình, dự án còn dàn trải, thi công kéo dài, nhất là các dự án về giao thông, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư. Trong khi đó, vốn đối ứng của địa phương và nhân dân còn hạn chế, quy mô đầu tư ở một số nơi chưa sát thực tế cũng là lý do khiến các dự án chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, tại các địa phương cũng có những khó khăn riêng. Bên cạnh việc kiến nghị thành phố bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các dự án theo đúng kế hoạch, nhất là ưu tiên cho nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dự án về thủy lợi, nông nghiệp..., các huyện Mỹ Ðức, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất kiến nghị cần tiếp tục có chính sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với địa bàn các xã miền núi, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hằng năm và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ðồng thời, thành phố cần quan tâm, ưu tiên chính sách cho công tác đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ công chức là người DTTS đối với các xã miền núi.

Ðể phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, thời gian tới, TP Hà Nội cần có giải pháp cụ thể về huy động các nguồn lực để thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhằm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khu vực này, góp phần nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Quan trọng hơn, các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ để người DTTS phát huy nội lực, vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/nang-cao-doi-song-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-615930/