Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Chăm

Cùng với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, huyện An Phú (An Giang) đã huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các DTTS trên địa bàn (trong đó có đồng bào DTTS Chăm), góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Huyện An Phú có 180.153 người, với 45.448 hộ gia đình, trong đó đồng bào DTTS Chăm có 9.309 người (2.358 hộ), chiếm 5,17% dân số của huyện. Đồng bào Chăm theo Hồi giáo (Islam), sinh sống tập trung ở 5 xã: Khánh Bình, Quốc Thái, Nhơn Hội, Vĩnh Trường, Đa Phước, trong đó có 3 xã biên giới là Khánh Bình, Quốc Thái, Nhơn Hội; có 97 hộ nghèo, chiếm 4,11%, 101 hộ cận nghèo, chiếm 4,28%.

Những năm qua, huyện An Phú tập trung triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước để phát triển vùng đồng bào DTTS. UBMTTQVN huyện đã huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các DTTS trên địa bàn (trong đó có đồng bào DTTS Chăm), góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tiếp tục nâng lên

Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện An Phú Lê Văn Hậu cho biết, đồng bào DTTS Chăm trên địa bàn huyện luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và mua bán nhỏ lẻ, nên UBMTTQVN huyện phối hợp chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ vốn, đầu tư cây - con giống, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Trung ương, ngân sách của tỉnh và các nguồn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS để chăm lo các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đời sống kinh tế - xã hội ở các xóm Chăm ở huyện An Phú từng bước khởi sắc. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. “Thông qua hoạt động tuyên truyền giúp đồng bào DTTS Chăm hiểu biết hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Đồng bào luôn ý thức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu phá hoại của các thế lực, giữ vững ổn định trật tự địa phương” - Trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo xã Nhơn Hội (An Phú), Phó Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Mách Sa Lế chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện An Phú Lê Văn Hậu cho biết, để đảm bảo đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện, trong đó có đồng bào DTTS Chăm, huyện An Phú tăng cường sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, triển khai và giám sát thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS. Huy động mọi nguồn lực thực hiện giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng đồng bào DTTS. Thực hiện tốt công khai các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào DTTS về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội… Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS Chăm, thực hiện đầy đủ các chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước. Đổi mới công tác dân vận theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Tất cả hướng đến nhân dân và phục vụ nhân dân”.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-cham-a280203.html