Nâng cao đời sống công nhân tại các khu công nghiệp

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 100 nghìn công nhân, lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Những năm gần đây, điều kiện sinh hoạt và làm việc của công nhân trong các KCN, chế xuất dù đã có nhiều cải thiện, song, còn không ít khó khăn cần được quan tâm đúng mức.

Nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: MINH HÀ

KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) vẫn được đánh giá là KCN đồng bộ, hiện đại, kiểu mẫu của TP Hà Nội. Với hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động, KCN đã thu hút hơn 10 nghìn lao động và khoảng ba nghìn lao động phụ trợ. Để bảo đảm đời sống cho người lao động, từ năm 2010, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (đơn vị quản lý KCN) đã xây dựng và khánh thành tòa nhà sáu tầng với 106 phòng cho thuê. Mặc dù trong khuôn viên KCN đã có vườn trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi thể thao, song vẫn chưa có chợ, siêu thị, không có phòng khám bệnh, nhà trẻ công lập. Chị Đặng Thị Phương, quê ở Hải Dương, đang làm việc tại Công ty TNHH Thời trang Star cho biết, dù may mắn thuê được nhà trong KCN, nhưng do không có nhà trẻ công, thu nhập của gia đình không đủ để gửi con ở các trường mầm non tư thục, cho nên vợ chồng chị đành phải nhờ bà ngoại từ quê lên chăm con giúp.

Thực tế cho thấy, công nhân lao động tại các KCN đang đứng trước hai mối lo thường trực là thiếu nhà ở và nhà trẻ. Hiện nay, trong tổng số chín KCN đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, mới có bốn dự án nhà ở cho công nhân lao động, với tổng công suất thiết kế khoảng 22.240 chỗ ở, nhưng mới hoàn thành được 8.388 chỗ ở, bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ. Trong khi đó, số lao động trong các KCN đều tăng dần qua các năm. Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, đến giữa năm 2017, số lao động trong khu vực này đã lên hơn 140 nghìn người. Chính vì vậy, nhu cầu nhà ở cho người lao động trong các KCN, chế xuất ngày một tăng cao. Tại KCN Quang Minh I (huyện Mê Linh), dự án xây nhà ở cho công nhân được quy hoạch từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. KCN chưa có nhà ở tập trung, nhà trẻ, khu vui chơi…, cho nên toàn bộ công nhân ở các tỉnh ngoài hằng tháng vẫn phải chi trả từ một đến hai triệu đồng để thuê nhà.

Đáng chú ý, Hà Nội đang có ba KCN đã đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy gần 100% nhưng vẫn chưa bố trí được nhà ở công nhân như các KCN: Nội Bài, Sài Đồng B, Nam Thăng Long. Chị Nguyễn Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (KCN Nội Bài) cho biết, phần lớn công nhân phải thuê trọ trong những căn phòng nhỏ bé, thiếu tiện nghi và an toàn. Ngày làm việc vất vả, đêm về lại sống trong những căn phòng ngột ngạt, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản đánh giá: Ngoài việc thiếu chỗ ở, chỗ gửi con, việc thực hiện chính sách đối với người lao động của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thường vi phạm về việc để công nhân làm thêm quá nhiều giờ, thì các doanh nghiệp trong nước vi phạm nhiều vấn đề như: Chế độ bảo hộ lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; tham gia đóng và chi trả bảo hiểm xã hội... Nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, chưa thực hiện đầy đủ về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Nâng cao đời sống của công nhân lao động tại các KCN, chế xuất là nội dung luôn được TP Hà Nội, các cấp công đoàn chú trọng. Thời gian vừa qua, đã có 2.468 lượt công nhân, viên chức lao động được trợ cấp với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; 15 công nhân lao động được hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”. Tuy nhiên, những hoạt động này chưa đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của đông đảo công nhân lao động. Để nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, lao động - bộ phận quan trọng đang trực tiếp lao động sản xuất, thành phố cần có chính sách cụ thể về trách nhiệm đầu tư, hỗ trợ vay vốn cho các dự án xây nhà ở, nhà trẻ, công trình phúc lợi cho người lao động trong các KCN, chế xuất. Khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân phải quan tâm đến nhu cầu của công nhân, có tính đến điều kiện như giá cả, diện tích, bảo đảm hài hòa lợi ích công nhân, nhà đầu tư; tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ liên quan quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm việc chấp hành pháp luật lao động.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34556202-nang-cao-doi-song-cong-nhan-tai-cac-khu-cong-nghiep.html