Nâng cao đời sống cho công nhân ngành may

Theo báo cáo từ Tổng LÐLÐ Việt Nam, dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, người lao động (NLÐ) trong ngành này lại có mức thu nhập thấp nhất, phải đối mặt cuộc sống rất khó khăn. Ðó là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đình công trong ngành dệt may cao nhất cả nước. Năm 2018, có tới 84 cuộc đình công trong ngành dệt may, chiếm tỷ lệ 39,25%.

May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần MSA-YB (Khu công nghiệp Long Bình An, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: MINH HÀ

May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần MSA-YB (Khu công nghiệp Long Bình An, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: MINH HÀ

Theo báo cáo từ Tổng LÐLÐ Việt Nam, dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Tuy nhiên, người lao động (NLÐ) trong ngành này lại có mức thu nhập thấp nhất, phải đối mặt cuộc sống rất khó khăn. Ðó là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đình công trong ngành dệt may cao nhất cả nước. Năm 2018, có tới 84 cuộc đình công trong ngành dệt may, chiếm tỷ lệ 39,25%.

Chị Phan Thị Oanh trở thành công nhân Công ty TNHH Teijin Fronyier Shonei, 100% vốn Nhật Bản (Phú Thọ) đã 5 năm. Hằng tháng, cộng tiền chuyên cần, phụ cấp tiền xăng xe, chị Oanh nhận được chưa đầy năm triệu đồng. Tuy mức thu nhập khiêm tốn nhưng Oanh bằng lòng với công việc hiện tại, do điều kiện làm việc ở công ty khá tốt. Thu nhập so với các doanh nghiệp (DN) khác trên địa bàn vẫn cao hơn, không phải tăng ca nhiều, lại có thời gian chăm lo gia đình. Chị Bàng Thị Lan Anh gắn bó với Công ty TNG, chi nhánh May Việt Ðức (Thái Nguyên) đã 12 năm. Hiện, thu nhập bình quân của chị Lan Anh khoảng 7,5 triệu đồng. Ðây là mức lương đáng mơ ước của nhiều công nhân ngành may. Hơn nữa, vợ chồng chị còn làm ruộng và chăn nuôi thêm sau giờ làm việc cho nên có đồng ra đồng vào chi trả sinh hoạt trong gia đình. Chị Oanh và Lan Anh là hai trường hợp may mắn trong bức tranh đời sống, thu nhập việc làm cho công nhân ngành dệt may nói chung. Họ được làm việc trong những DN có uy tín, có những đơn đặt hàng thường xuyên, công việc ổn định. Quan trọng hơn, họ được làm việc tại những DN gần nhà. Ðiều này giúp họ tiết kiệm được khoản tiền lớn khi không phải thuê nhà trọ, đi lại, và gửi con cái.

Theo một nghiên cứu của Oxfam (một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia) phối hợp Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn thực hiện tại sáu doanh nghiệp may mới đây, hầu hết công nhân trong nghiên cứu này đang phải vất vả nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều người không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái. Theo kết quả của nghiên cứu, nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có tới 52% số công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu. 69% số công nhân cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ.

Cũng theo kết quả khảo sát, lương cơ bản của công nhân may đạt khoảng 5,1 triệu đồng/tháng, chiếm tới 64% tổng thu nhập. Các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm đến 36% tổng thu nhập. Ðây là khoản có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những giai đoạn ít việc. Nếu tính mức chênh lệch giữa thu, chi trong tháng, có tới 80% lao động ngành may có thu nhập thực tế dưới 5 triệu đồng/tháng. Trong đó có hơn 10% có mức chi lớn hơn mức thu.

Ða số những người được hỏi cho biết, vì lương không đủ sống, cho nên họ cảm thấy tự ti trong cuộc sống. Lương không đủ sống kéo theo nhiều vấn đề. Ðể khắc phục khó khăn về tài chính, công nhân đã phải nghĩ ra cách để có tiền trang trải cho các chi phí đột xuất bằng cách tham gia chơi hụi. Mặc dù chơi hụi không khiến công nhân nợ nần, nhưng điều này cho thấy sự mong manh về khả năng tài chính của họ.

Một số chuyên gia lao động cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến NLÐ ngành may không được trả mức lương có thể đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Một trong những nguyên nhân đó là, việc xây dựng thương hiệu cho ngành dệt may Việt Nam chưa được chú trọng, đầu tư đúng mức. Chưa có hệ thống phân phối rộng khắp, kể cả ở thị trường trong nước và nước ngoài. Chỉ có một số DN tự tìm tòi, mở các kênh tiêu thụ sản phẩm, khiến việc tiêu thụ sản phẩm còn yếu, nhất là đối với thị trường quốc tế, dẫn đến giá trị sản phẩm không cao, ảnh hưởng đồng lương của DN chi trả cho NLÐ. Một số sản phẩm có chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật Bản nhưng lại không có mặt tại thị trường trong nước, bỏ trống một lượng khách hàng tiềm năng trong nước. Bên cạnh đó, năng suất lao động còn thấp, chất lượng thỏa ước lao động tập thể về điều khoản lương, thu nhập cho NLÐ còn yếu. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần xây dựng một lộ trình nâng mức lương tối thiểu lên mức đủ sống. Lộ trình này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, doanh nghiệp, nhãn hàng và công đoàn. Người tiêu dùng cũng là một tác nhân quan trọng giúp gây ảnh hưởng và thúc đẩy lộ trình này bằng cách bày tỏ sự quan tâm và mong đợi của mình đối với các nhãn hàng thời trang mình yêu thích, về thực hành ứng xử có đạo đức trong hoạt động kinh doanh thông qua trả lương cho NLÐ.

Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của NLÐ, tổ chức công đoàn cần nâng cao năng lực thương lượng về tiền lương với người sử dụng lao động thông qua thỏa ước lao động tập thể. Doanh nghiệp cần đưa yếu tố lương đủ sống của NLÐ vào đàm phán đơn giá với các nhãn hàng; các nhãn hàng cần tôn trọng giá trị sức lao động của NLÐ.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40159402-nang-cao-doi-song-cho-cong-nhan-nganh-may.html