Nâng cao độ che phủ của rừng

Qua nhiều giai đoạn phát triển, nhất là từ năm 2013 đến nay, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được Quảng Ninh tập trung triển khai thực hiện. Nhờ đó, độ che phủ rừng toàn tỉnh ngày càng được nâng cao, hiện đạt 55%, tăng 0,57% so với năm 2017, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng.

Đóng cửa rừng tự nhiên

Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020” và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, tỉnh Quảng Ninh đã dừng hoàn toàn việc khai thác chính gỗ rừng tự nhiên. Đặc biệt, từ giữa năm 2017 đến nay, toàn tỉnh không thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng, không khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên cùng người dân trao đổi về công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn Đồng Rui (Tiên Yên).

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên cùng người dân trao đổi về công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn Đồng Rui (Tiên Yên).

Theo ông Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Quảng Ninh đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên từ những năm 2004, trước 10 năm khi có Quyết định số 2242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo nhất quán của tỉnh về bảo vệ, phát triển bền vững rừng, phục vụ cho phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Với vai trò là cơ quan tham mưu, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan, chủ rừng ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng nhằm đảm bảo duy trì, phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có; giám sát chặt chẽ đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Trong giai đoạn 2017-2020, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ nguyên trạng trên 122.280ha, trong đó có gần 71.000ha rừng tập trung được bảo vệ nghiêm ngặt tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị quốc phòng và các công ty lâm nghiệp, còn lại trên 51.350ha được quản lý, bảo vệ bởi các doanh nghiệp, UBND các xã và cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

Tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, đây là khu rừng đặc dụng, có diện tích đất rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh, với 15.963ha rừng tự nhiên nằm rải rác tại các xã Bản Sen, Minh Châu, Hạ Long, Vạn Yên (Vân Đồn). Trước đây, khi chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, rừng thường xuyên bị lâm tặc, người dân địa phương khai thác một cách bừa bãi, nay đã được quản lý, bảo vệ chặt chẽ với đội ngũ cán bộ kiểm lâm và cộng tác viên trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa rừng, không còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép lâm sản và săn bắn thú rừng.

Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về “Tết trồng cây”, hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức lễ phát động với quy mô, diện tích năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, đặc biệt chú trọng trồng rừng gỗ lớn và chuyển dần từ phương thức sản xuất quảng canh sang thâm canh. Nhờ đầu tư cây giống, phân bón, nhân công chăm sóc mà diện tích, năng suất, chất lượng rừng trồng ngày càng tăng lên, nhất là đối với những diện tích rừng gỗ lớn.

Những cánh rừng xanh bạt ngàn tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

Theo Sở NN&PTNT, từ năm 2017 đến nay, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 46.340ha, trung bình mỗi năm trồng được 11.585ha, góp phần nâng độ che phủ của rừng toàn tỉnh lên 55%, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Đặc biệt là đã trồng được khoảng trên 1.040ha rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Nhiều địa phương có lợi thế về trồng rừng, như Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu… đã tập trung đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, từng bước chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Theo ước tính, từ năm 2017 đến nay ở các địa phương này đã có 240ha rừng gỗ nhỏ chuyển sang trồng rừng gỗ lớn; trên 1.400ha chuyển sang trồng rừng gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ. Từ kết quả đánh giá, so sánh của ngành chức năng, trên cùng một diện tích, một chu kỳ trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp từ 2,5-3 lần so với thực hiện liên tục 2 chu kỳ trồng rừng gỗ nhỏ.

Mặc dù kết quả đạt được là vậy, nhưng tại một số địa phương của tỉnh vẫn còn tình trạng người dân sử dụng đất rừng sai mục đích; tình trạng phát, đốt thực bì để trồng rừng không được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường và cháy rừng; việc đầu tư bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên chỉ mới dừng lại ở khâu bảo vệ là chính và tập trung cho rừng phòng hộ, đặc dụng; chưa thu hút được các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào chiều sâu sản xuất kinh doanh tổng hợp theo hướng bền vững, lâu dài; chưa có cơ chế hỗ trợ, hưởng lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quản lý, khoanh nuôi rừng tự nhiên; kinh phí ngân sách cấp cho việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ còn thấp, hàng năm chỉ cấp đủ 50% diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên cần khoanh nuôi… Đây là vấn đề cần được các cấp, các ngành của tỉnh sớm có hướng giải quyết trong thời gian tới, để rừng Quảng Ninh mãi xanh, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202011/nang-cao-do-che-phu-cua-rung-2509427/