Nâng cao Chỉ số ICT Index

Năm 2019, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (ICT Index) của Quảng Ninh đạt 0,735 điểm, tăng 15% số điểm so với năm 2018, vươn lên đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Không dừng lại ở kết quả này, tỉnh quyết tâm tiếp tục nâng cao Chỉ số ICT Index năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh là một đột phá của tỉnh trong ứng dụng CNTT.

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh là một đột phá của tỉnh trong ứng dụng CNTT.

Ngay sau khi Chỉ số ICT Index năm 2019 được công bố, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch duy trì và nâng cao Chỉ số ICT Index tỉnh Quảng Ninh năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung nâng cao về chất đối với 3 chỉ số thành phần chính. Năm 2020, trong chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT, tỉnh đặt mục tiêu trên 90% số hộ gia đình có máy tính, có kết nối internet, có băng thông rộng không dây; tỷ lệ 1,3 máy tính/CBCCVC; hoàn thành việc triển khai và đưa “Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh Quảng Ninh” (SOC) và “Hệ thống phòng chống mã độc tập trung” vào vận hành, khai thác. Chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT, phấn đấu 100% học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường và người lớn biết đọc, biết viết; 8/8 trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh có đào tạo về CNTT; 100% CBCCVC được tập huấn an toàn thông tin, 100% đơn vị có cán bộ chuyên trách về CNTT đạt trình độ đại học trở lên. Chỉ số ứng dụng CNTT, phấn đấu 100% tài liệu (trừ văn bản mật) phục vụ họp, cần trao đổi trong xử lý công việc, các hoạt động nội bộ,... tại mỗi đơn vị được gửi - nhận trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý văn bản, hệ thống Thư điện tử công vụ tỉnh và ứng dụng họp thông minh. Cùng với đó, tỉnh đặt mục tiêu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 90% (mức độ 4 đạt trên 40%)...

Để thực hiện được những mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện. Tỉnh tích cực đầu tư, nâng cấp và mở rộng mạng viễn thông, mạng truy nhập băng rộng với tốc độ cao, xây dựng các cột BTS tại các vùng sâu, vùng xa để tăng diện tích phủ sóng, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ viễn thông, nhất là các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, phối hợp với các nhà mạng triển khai giải pháp duy trì ổn định số lượng thuê bao điện thoại cố định, phát triển thuê bao di động, internet, nhất là thuê bao 3G, 4G; khẩn trương triển khai Hệ thống phòng chống mã độc tập trung và Trung tâm kiểm soát an toàn thông tin mạng của tỉnh. Đầu tháng 9 vừa qua, Quảng Ninh đã tổ chức thành công buổi diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng với sự tham gia của trên 200 cán bộ chuyên trách CNTT trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đưa vào giải quyết là 1.939 TTHC; trung tâm hành chính công cấp huyện là 293 TTHC; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã là 111 TTHC. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cấp tỉnh là 1.552 TTHC (92,99%); cấp huyện là 3.614 TTHC (94,88%); tiếp tục triển khai sử dụng thêm con dấu thứ 2 để giải quyết TTHC theo nguyên tắc 5 tại chỗ. Quảng Ninh cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 494 TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đứng đầu toàn quốc; kết nối liên thông với 7 cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương; kết nối liên thông Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh với Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Các cán bộ chuyên trách CNTT trong tỉnh tham gia diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, tháng 9/2020.

Trao đổi về các giải pháp để duy trì và tiếp tục nâng cao hơn nữa chỉ số ICT Index của tỉnh trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Đinh Sĩ Nguyên cho biết: Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đặc biệt chú trọng hạ tầng nhân lực CNTT. Theo đó, cùng với tích cực đầu tư cho giáo dục phổ thông theo hướng giáo dục thông minh, tỉnh còn khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn mở chuyên ngành đào tạo CNTT nhằm đảm bảo nguồn nhân lực CNTT trong tỉnh, phù hợp với yêu cầu, định hướng của tỉnh trong tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp lớn, trường đại học lựa chọn Quảng Ninh để mở các cơ sở đào tạo về CNTT. Các đơn vị, địa phương đã và đang xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tập huấn về CNTT cho CBCCVC trong toàn tỉnh; rà soát, bố trí, sắp xếp, đảm bảo các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có cán bộ chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin. Đối với các cơ quan, đơn vị không có nhân lực bố trí chuyên trách về CNTT, nhiều nơi đã nghiên cứu hình thức thuê nhân lực CNTT để đảm bảo đủ năng lực và yêu cầu theo quy định. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, như y tế, giáo dục, GT-VT, cổng một cửa điện tử và dịch vụ công, thanh toán trực tuyến và hóa đơn điện tử, xây dựng thành phố thông minh...

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202011/nang-cao-chi-so-ict-index-2510706/