Nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Những năm qua, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Thanh Hóa không ổn định. Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần ở nhiều lĩnh vực, nội dung có điểm số thấp, như: Công bố, công khai, niêm yết thủ tục hành chính (TTHC); tỷ lệ đạt chuẩn cán bộ cấp xã; công tác triển khai, duy trì kiến trúc chính quyền điện tử; mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; việc tiếp nhận và giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích...

Công chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND xã Đông Phú (Đông Sơn) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần cải thiện chỉ số PAR INDEX, ngày 26-9-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về tập trung chỉ đạo cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với 9 nhiệm vụ cụ thể.

Để nâng cao chỉ số CCHC theo Chỉ thị số 18 của Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận “một cửa”, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đông Sơn là huyện đi đầu trong thực hiện đánh giá chỉ số CCHC. Trước khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 18, UBND huyện Đông Sơn đã ban hành quy định xác định chỉ số CCHC của UBND các xã, thị trấn. Nội dung đánh giá dựa trên 8 lĩnh vực, 32 tiêu chí và 37 tiêu chí thành phần. 8 lĩnh vực cụ thể là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng, tổ chức thực hiện và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại xã, thị trấn; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính Nhà nước. Thang điểm đánh giá chỉ số CCHC của UBND các xã, thị trấn được quy định cụ thể đối với từng lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần. Hàng năm, UBND các xã, thị trấn tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình. Điểm tự đánh giá của các xã, thị trấn sẽ được tổ thẩm định giúp chủ tịch UBND huyện xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu chấm chưa chính xác. Hàng năm, lấy kết quả xác định chỉ số CCHC của các xã, thị trấn là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương. Đặc biệt, để nâng cao chỉ số CCHC của huyện, hàng quý, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tự kiểm tra, chấm điểm chỉ số CCHC do đơn vị mình tham mưu và thông báo kết quả về việc thực hiện xác định chỉ số CCHC thuộc lĩnh vực của các phòng chuyên môn tham mưu cho UBND huyện. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả việc đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, hàng năm, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra tại các địa phương, đơn vị nhằm chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác CCHC. Với nhiều nỗ lực trong CCHC, năm 2016 huyện Đông Sơn xếp thứ 9/27 huyện, thị xã, thành phố về chỉ số CCHC; năm 2017 và 2018, huyện xếp thứ 3/27 huyện, thị xã, thành phố về chỉ số CCHC với tổng điểm đạt được là 95/100 điểm. Trong đó, một số nội dung đánh giá đạt điểm tối đa như: Công tác chỉ đạo điều hành 16/16 điểm; cải cách TTHC 12/12 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức 16/16 điểm...

Sau khi thống kê bảng xếp loại chỉ số CCHC qua các năm, chỉ rõ những nội dung chưa đạt điểm chuẩn tối đa hoặc có kết quả thấp so với chỉ số trung bình chung, UBND huyện Quảng Xương tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, huyện đưa 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết vào thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; thực hiện giải quyết TTHC theo quy trình nội bộ, quy trình liên thông, quy trình điện tử, quản lý hồ sơ dữ liệu điện tử, chuyển đổi hồ sơ, tài liệu trong giải quyết TTHC thành hồ sơ điện tử. Lập sổ theo dõi hồ sơ, giấy biên nhận đối với các TTHC không thể giải quyết ngay trong ngày, viết phiếu hẹn, phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân. Các phòng chuyên môn UBND huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát theo kế hoạch của UBND huyện đã ban hành hoặc kiểm tra, giám sát đột xuất tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch CCHC hàng năm và kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt, hướng đến sự hài lòng của tổ chức, công dân, huyện chỉ đạo cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” hướng dẫn tận tình, chu đáo cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC, hạn chế tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tiêu cực và tự đặt thêm thành phần hồ sơ không có trong quy định khi giải quyết TTHC. Cùng với đó, huyện tăng cường khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại... Với nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC, năm 2018, huyện Quảng Xương đạt 83,75/100 điểm, xếp thứ 8/27 huyện, thị, thành phố về chỉ số CCHC.

Xác định chỉ số CCHC việc làm quan trọng để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai CCHC hàng năm. Thông qua chỉ số CCHC chỉ rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện, qua đó giúp các sở, ngành, các địa phương có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp thực hiện CCHC hàng năm. Vì vậy, các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Chủ tịch UBND tỉnh, góp phần xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nang-cao-chi-so-cai-cach-hanh-chinh/108614.htm