Nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng đã có nhiều cải thiện, các vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng được nâng chất. Tuy nhiên, để làm tốt hơn công tác TGPL trong hoạt động tố tụng, trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) cần đề ra nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể hơn để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.

TGVPL tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng”.

TGVPL tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng”.

Theo Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, nhiều vụ việc tham gia tố tụng do TGVPL thực hiện được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL, như: được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân... Bị cáo Nguyễn Ngọc Anh, người thuộc hộ cận nghèo, bị Tòa án Nhân dân quận Ô Môn tuyên phạt 12 tháng tù về tội đánh bạc. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên giữ quyền công tố đề nghị bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích hợp tình, hợp lý của TGVPL, Hội đồng xét xử đã tuyên sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo mức án 6 tháng tù về tội đánh bạc.

Hay như vụ án Nguyễn Gia Bảo bị Viện Kiểm sát Nhân dân quận Thốt Nốt truy tố về tội cướp tài sản, theo điểm d, khoản 2, Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Bảo chưa đủ 18 tuổi nên thuộc diện người được TGPL. Tại phiên tòa sơ thẩm không có TGVPL bào chữa cho bị cáo. Bị cáo bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 5 năm tù về tội cướp tài sản. Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo Bảo kháng cáo với nội dung không đồng ý với tội danh cướp tài sản, chỉ thừa nhận hành vi trộm cắp tài sản và xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, TGVPL của Trung tâm đã phân tích hành vi của bị cáo chỉ đáng để xử lý về tội trộm cắp tài sản chứ không phải tội cướp tài sản theo như bản án sơ thẩm đã tuyên. Qua đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận quan điểm của TGVPL và tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo, thay đổi tội danh đối với bị cáo Bảo từ tội cướp tài sản thành phạm tội trộm cắp tài sản.

Sự tham gia của đội ngũ người thực hiện TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với người được TGPL là bị can, bị cáo, khi được TGVPL hỗ trợ, giúp họ an tâm, tự tin hơn vì có chỗ dựa về mặt tinh thần và sự giúp đỡ về pháp luật.

Tuy nhiên, theo Trung tâm TGPL Nhà nước thành phố, công tác TGPL vẫn còn một số hạn chế; số vụ việc TGPL của TGVPL còn ít, dẫn đến thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề... Một số vụ việc TGVPL chưa đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, nên chưa đưa ra được các luận cứ thuyết phục. Một số người chưa hiểu về hoạt động TGPL, chưa tin tưởng vào hoạt động TGPL, vẫn còn quan niệm TGPL miễn phí là không chất lượng.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL trong tố tụng hình sự, bà Phan Thị Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ đề nghị bản thân TGVPL phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ; thường xuyên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Trong công việc luôn thận trọng, không chủ quan, tránh những sai sót không cần thiết làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Trong hoạt động TGPL phải luôn tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL phải thường xuyên mở các buổi trao đổi nghiệp vụ nhằm giúp các luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, TGVPL trao đổi kỹ năng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL... Qua đó, cùng nhau rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình TGPL...

Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng” ông Văn Hứng, Thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Để nâng cao trình độ và kỹ năng tranh tụng cho TGVPL, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng giao tiếp, hùng biện, tranh luận, thuyết phục… Đồng thời, TGVPL phải thực sự linh hoạt, ứng biến trong các tình huống diễn ra tại phiên tòa; cần chủ động nghiên cứu, rèn luyện mình, không ngừng học hỏi, thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật mới ban hành, đặc biệt là những văn bản hướng dẫn, quan điểm pháp lý của Tòa án Nhân dân tối cao để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tố tụng”.

Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự của TGVPL không chỉ giúp bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của những người “yếu thế” trong xã hội, tạo được lòng tin của nhân dân vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, không vô tư, khách quan trong hoạt động tố tụng.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nang-cao-chat-luong-vu-viec-tro-giup-phap-ly-a151561.html