Nâng cao chất lượng tham mưu để tạo tính ưu việt của thể chế kinh tế

Hành trình lịch sử 70 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định được vai trò, đóng góp trong việc nghiên cứu, tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều thời cơ và thách thức mới, đan xen nhau, rất phức tạp, thì việc nâng cao chất lượng tham mưu để có tầm nhìn vượt trội, để tạo ra tính ưu việt của thể chế kinh tế đang là yêu cầu cấp thiết.

Dấu ấn "khoán 100", “khoán 10”

Nhắc đến đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ về quá trình tham mưu với Ban Bí thư Trung ương Đảng để ban hành Chỉ thị 100-CT/TW năm 1981 (thường gọi là chỉ thị "khoán 100"). Đây cũng là tiền đề quan trọng đưa đến Nghị quyết số 10-NQ/TW (khoán 10) được Bộ Chính trị ban hành năm 1988 sau Đại hội Đảng VI-Đại hội đổi mới của đất nước. Theo đồng chí Vũ Oanh, trong những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, kinh tế nước ta giảm sút nghiêm trọng, trước hết do cơ chế, chính sách bất hợp lý. Sức sản xuất bị kìm hãm, kém phát triển, phân phối, lưu thông trì trệ. Tuy nhiên, để chỉ ra được những mặt hạn chế và thừa nhận những bất cập về cơ chế, chính sách trong cả một giai đoạn dài là không hề đơn giản. “Dự thảo Chỉ thị 100 đã được chắt lọc từ những kết quả nghiên cứu thực tiễn ở nhiều nơi, báo cáo kết quả thành công từ các địa phương và lấy ý kiến dân chủ của bà con xã viên”, đồng chí Vũ Oanh chia sẻ.

Việc ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13-1-1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá là bước đột phá đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý, kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế trong nông nghiệp, chuẩn bị cho các bước tiếp theo để hình thành hệ thống quản lý nông nghiệp mới. Theo đồng chí Vũ Oanh, điều quan trọng hơn cả là khi Chỉ thị 100 ban hành, nông nghiệp như được cởi trói, bước đầu khơi dậy tinh thần làm chủ, phấn khởi của người lao động, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Nhìn chung, năng suất lúa sau khi thực hiện khoán sản phẩm ở các hợp tác xã đều tăng lên, nơi tăng ít khoảng 4-5%, tăng vừa từ 15 đến 20%, cá biệt có nơi tăng 50%.

 Phát triển năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW là một trong những chủ trương lớn được Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất. Ảnh: MINH ĐỨC.

Phát triển năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW là một trong những chủ trương lớn được Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất. Ảnh: MINH ĐỨC.

Nói đến quá trình từ "khoán 100" đến "khoán 10", đồng chí Vũ Oanh cho rằng, đó là một quá trình đấu tranh vô cùng gian nan, quyết liệt giữa tư tưởng bảo thủ trì trệ, giáo điều với tư duy đổi mới sáng tạo. Trên chặng đường đi đến thành công, dù gặp phải nhiều lực cản nhưng ý chí và sức mạnh của tư tưởng đổi mới đã thắng lợi. Có thể nói, Chỉ thị 100 đã đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, là tiền đề tạo niềm tin, động lực cho tiến trình đổi mới thành công cơ chế quản lý kinh tế đất nước sau này.

“Phải khẳng định, trong suốt 90 năm qua, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, có tư duy đổi mới sáng tạo rất cao tại mỗi thời điểm lịch sử. Vai trò lãnh đạo của Đảng về đường lối, chiến lược phát triển kinh tế để phát triển đất nước là rất rõ ràng”, đồng chí Vũ Oanh bày tỏ. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh đến vai trò của Ban Kinh tế Trung ương với chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng, đã tập hợp, phát huy được trí tuệ của toàn thể đảng viên và nhân dân, hoàn thành tốt trọng trách được giao, góp phần đưa kinh tế nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh trong thời gian qua.

Tầm nhìn cho chặng đường mới

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tham mưu, xây dựng một số nghị quyết quan trọng, không chỉ kịp thời tháo gỡ ách tắc mà còn định hướng phát triển kinh tế-xã hội đất nước cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đây là những nghị quyết vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc, đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực to lớn thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội, cho phát triển lực lượng sản xuất. Điển hình có thể kể đến: Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia...

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, từ đó mở ra những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Có thể khẳng định, toàn cầu hóa và tự do thương mại, đầu tư vẫn là xu thế bao trùm trên toàn cầu. Thế giới ngày càng phẳng hơn. Trong thế giới phẳng đó, sức mạnh, sức cạnh tranh của mỗi quốc gia không chỉ thể hiện ở những giá trị kinh tế mà quốc gia đó đang có, mà quan trọng và quyết định là sức cạnh tranh, tính ưu việt của thể chế phát triển kinh tế mà quốc gia đó có được. Thực tiễn phát triển kinh tế thế giới nói chung, của Việt Nam ta nói riêng đã minh chứng rõ ràng cho luận điểm này. Do vậy, Đảng ta nhất quán xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Đảng ta đã xác định kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong suốt 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng chăm lo xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và coi đây là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đột phá. Đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng rõ nét hơn, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện hơn. Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xem là hình mẫu của các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý, đây là mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới, do vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN không thể tránh khỏi các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, có lúc khá gay gắt. Để đi đến thống nhất nhận thức là rất khó khăn, phức tạp, phải giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trên cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc những nguyên tắc cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm xuyên suốt của Đảng, nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Bên cạnh đó, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết thực tiễn đổi mới ở nước ta, bảo đảm vững chắc định hướng XHCN, độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-cao-chat-luong-tham-muu-de-tao-tinh-uu-viet-cua-the-che-kinh-te-636044