Nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật Thủ đô

Ngày 19-11, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Văn nghệ sĩ Thủ đô nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật' với sự tham dự của đông đảo hội viên 9 hội chuyên ngành và các nhà nghiên cứu, quản lý văn học, nghệ thuật Thủ đô.

Nhiều hội viên có những đóng góp tâm huyết tại cuộc tọa đàm.

Các văn nghệ sĩ đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm với sự phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô. Trong đó có những giải pháp thiết thực, mang giá trị thực tiễn cao, nhằm nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật Hà Nội trong giai đoạn mới.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cho biết, Hội đã, đang và sẽ tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên, quảng bá, giới thiệu, đưa tác phẩm của hội viên đến đông đảo công chúng. Cụ thể, Hội đổi mới tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật, lựa chọn các văn nghệ sĩ có đam mê, có năng lực sáng tạo và sức khỏe để tham gia, đồng thời chọn đề tài cụ thể, thiết thực, cách tân để khích lệ các văn nghệ sĩ đầu tư sáng tạo tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn. Bên cạnh đó, Hội cũng liên tục tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật gắn với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô hiện nay. Các hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng được thường xuyên đổi mới. Ngoài xuất bản sách, phát hành phim, đĩa nhạc, triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật..., Hội phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và Hà Nội giới thiệu tác phẩm mới đến với công chúng...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội, việc nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật trước hết từ đầu nguồn - người viết kịch bản, biên kịch, viết sách, sáng tạo tác phẩm... Họ phải được tạo điều kiện đi thực tế, tham gia các sự kiện lớn của Thủ đô nhằm tích lũy kiến thức và có chất liệu sáng tác. Tiếp đó, người quản lý cũng cần có "con mắt xanh" để nhìn ra tác phẩm tốt, đầu tư biến tác phẩm trên bản thảo thành hiện thực và tổ chức giới thiệu, quảng bá tác phẩm đúng thời điểm, đúng đối tượng.

Nghệ sĩ ưu tú Như Bình, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội nhận định, để quảng bá tác phẩm các hội chuyên ngành phải tập hợp in thành sách hoặc có chương trình giới thiệu tác phẩm mới định kỳ, đặc biệt là các chủ đề về Thăng Long - Hà Nội. Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến cho rằng, cần có nhà triển lãm, sân khấu biểu diễn, rạp chiếu phim, bảo tàng riêng cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô để giới thiệu, đưa tác phẩm mới đến công chúng thường xuyên, đồng thời lưu giữ tác phẩm giá trị cho các thế hệ sau...

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/983994/nang-cao-chat-luong-sang-tac-va-quang-ba-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-thu-do