Nâng cao chất lượng sản xuất lúa giống (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Liên kết chuỗi trong sản xuất lúa gạo -Để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu,cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp, tạo ra chuỗi liên kết khép kín từ khâu cung cấp giống lúa bảo đảm chất lượng đến tiêu thụ lúa hàng hóa.Bài 1: Bất cập trong quản lý lúa giống

Cán bộ của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn nông dân quận Ô Môn (TP Cần Thơ) sản xuất lúa giống chất lượng cao kỹ thuật khử lẫn. Ảnh: HỒNG ĐĂNG

Cán bộ của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn nông dân quận Ô Môn (TP Cần Thơ) sản xuất lúa giống chất lượng cao kỹ thuật khử lẫn. Ảnh: HỒNG ĐĂNG

Bài 2: Liên kết chuỗi trong sản xuất lúa gạo -

Để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu,cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp, tạo ra chuỗi liên kết khép kín từ khâu cung cấp giống lúa bảo đảm chất lượng đến tiêu thụ lúa hàng hóa.

Bài 1: Bất cập trong quản lý lúa giống

Tăng cường quản lý lúa giống

Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt Trần Xuân Định, trong những năm qua, Nhà nước rất quan tâm tới nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống lúa phục vụ sản xuất; các chương trình, dự án, các đề tài từ cấp nhà nước, cấp bộ và cấp địa phương được phân bổ hằng năm và chu kỳ 2, 3 năm đến 5 năm; việc chọn tạo giống cây trồng nói chung và giống lúa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục giống lúa được công nhận giống quốc gia. Các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký sản xuất, kinh doanh giống nếu đã mua bản quyền hoặc được nhượng quyền sản xuất sẽ đóng mác bao bì để bảo đảm giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và tránh hiện tượng lúa giống bị giả mạo. Đồng thời, chịu trách nhiệm về điều kiện sản xuất, kinh doanh và có thể nhượng quyền, hoặc mở rộng mạng lưới liên kết sản xuất giống với trung tâm giống cây trồng ở các tỉnh và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất đáp ứng đủ điều kiện.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh Seed) Trần Mạnh Báo cho biết, doanh nghiệp hiện là một trong những đơn vị sản xuất và cung ứng giống lúa hàng đầu ở Việt Nam và đã có 12 giống lúa được công nhận là giống quốc gia, lúa giống do doanh nghiệp sản xuất hiện cung ứng từ 10 đến 15% số giống lúa toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà sản xuất giống lúa, để quản lý hiệu quả giống lúa chất lượng cao cần quy định chặt chẽ nguyên tắc phát triển theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, Nhà nước và lợi ích cộng đồng. Cần luật hóa công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực sản xuất giống lúa gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho các hoạt động ưu tiên đầu tư, phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh các quy định quản lý giống lúa theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý. Giảm bớt thời gian thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, hạn chế rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh, xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận phù hợp, rút ngắn quy trình và thời gian khảo nghiệm. Bổ sung các quy định về trình tự thực hiện khảo nghiệm để có thể sử dụng kết quả khảo nghiệm cho cả hai mục đích công nhận và bảo hộ giống. Quy định một giống lúa đã được công nhận giống lưu hành thì được thừa nhận quyền sở hữu đối với giống lúa đó. Mặt khác, cũng cần có quy định quản lý chặt chẽ mẫu giống chuẩn phục vụ đối chứng, kiểm định, kiểm nghiệm, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra...

Liên kết sản xuất lúa gạo

Cùng với việc quản lý chặt chẽ từ gốc nguồn lúa giống, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, Nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp, tạo ra chuỗi khép kín từ khâu cung cấp giống lúa đến tiêu thụ lúa hàng hóa. Sự liên kết càng chặt chẽ thì sẽ càng không tạo ra khe hở để các cơ sở sản xuất giống kém chất lượng, các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng để trà trộn, lừa đảo người nông dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Công cho biết, tỉnh có nhiều phương thức liên kết được thực hiện với doanh nghiệp để rút ngắn và khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ ổn định góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Tỉnh cũng đã chỉ đạo khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, thích nghi với điều kiện đất ở địa phương, năng suất cao và ổn định, đáp ứng thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo khẳng định, để phát triển thương hiệu, doanh nghiệp đã tổ chức liên kết với các địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân trồng lúa trên toàn quốc. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng miền, doanh nghiệp này cung cấp những giống lúa phù hợp giúp nông dân ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập từ nghề trồng lúa.

Không chỉ cung cấp giống cho các tỉnh Bắc Bộ, hiện giống lúa của doanh nghiệp đã được một số địa phương ở Gia Lai, Quảng Ngãi trồng cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, chịu được sâu bệnh và hạn. Riêng giống TBR36 do công ty sản xuất đã được huyện Phú Thiện (Gia Lai) trồng đại trà, cho năng suất cao. Huyện Phú Thiện cũng đã chính thức đề nghị doanh nghiệp cho phép xây dựng thương hiệu gạo TBR36 là lúa đặc sản của địa phương...

Mô hình tích tụ ruộng đất và liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, hiện nay cũng được Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) thực hiện khá bài bản. Doanh nghiệp hiện cung cấp cho tỉnh hơn 30% giống lúa các loại để phục vụ sản xuất cho nông dân. Theo Phó Giám đốc Công ty Cường Tân Lâm Văn Chiểu, để nâng cao hiệu quả sản xuất, doanh nghiệp đã cùng một số địa phương khảo sát các vùng trồng lúa thương phẩm khó khăn, hiệu quả thấp, vùng thiếu lao động nông nghiệp do dịch chuyển sang ngành nghề khác... để tổ chức liên kết sản xuất. Đồng thời, vận động các hộ nông dân không có nhu cầu canh tác cho công ty thuê, mượn đất có thời hạn từ 5 đến 10 năm với mức giá thuê từ 60 đến 80 kg thóc/sào/vụ.

Hợp đồng thuê đất công ty ký với từng hộ nông dân cho thuê mượn ruộng được UBND xã các địa phương có hộ cho thuê đất xác nhận. Sau khi thuê gom ruộng đất từ nhiều thửa nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp quy hoạch lại đồng ruộng thành những cánh đồng mẫu, với diện tích tập trung đủ lớn từ 20 đến 40 ha để áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất. Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, trang bị hệ thống điện cao áp ra từng cánh đồng, đầu tư máy làm đất. Sau thu hoạch, doanh nghiệp sẽ phân loại, đóng gói hạt giống theo tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, doanh nghiệp chọn một số hộ nông dân có năng lực về lao động, có kinh nghiệm sản xuất hạt lai F1 và tự nguyện tham gia liên kết với công ty sản xuất lúa giống.

Từ sự liên kết ổn định, bền vững, các doanh nghiệp ngành lúa gạo có thể tập trung được nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng cao để cạnh tranh xuất khẩu. Qua đó, giúp ngành lúa gạo nước ta có những thay đổi rõ nét và phát triển bền vững.

-----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29-10-2018.

Bài, ảnh: VŨ THÀNH, NGỌC SƠN và NHỰT TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38078502-nang-cao-chat-luong-san-xuat-lua-giong-tiep-theo-va-het.html