Nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan

Phải tạm dừng đón khách hơn một tháng nay, nhưng cán bộ, nhân viên nhiều cơ sở văn hóa trên địa bàn Hà Nội vẫn hết sức bận rộn. Tranh thủ thời gian không đón khách, các đơn vị tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, chuẩn bị cho các sự kiện mới khi được mở cửa trở lại. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm) nằm ở trung tâm thành phố là một trong những địa chỉ thu hút đông khách du lịch. Trung bình di tích đón hơn 400 nghìn khách/năm. Thực hiện giãn cách xã hội, di tích đã dừng đón khách hơn một tháng nay, tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ban quản lý di tích vẫn hết sức bận bịu. Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Bích Thủy cho biết: "Việc dừng đón khách là bất đắc dĩ, nhưng đây cũng là khoảng thời gian để chúng tôi bổ sung kiến thức chuyên môn, tập huấn nhân sự… để bảo quản di tích, các hiện vật và phục vụ khách tham quan tốt hơn". Bên cạnh đó, ban quản lý di tích chia nhân viên thành các nhóm khác nhau để viết lại quy trình làm việc như quy trình bán vé, quy trình lễ tân, quy trình phục vụ thuyết minh… Tiếp đó, mỗi người có những đề xuất, góp ý để hoàn thiện quy trình. Lãnh đạo ban quản lý di tích đã thu được nhiều đề xuất bổ ích để điều chỉnh công tác phục vụ khách tham quan. Bà Nguyễn Bích Thủy cho biết thêm: "Trong dịp này, chúng tôi xây dựng nhiều kịch bản về các hoạt động tại di tích, để các hoạt động phong phú, hấp dẫn hơn như: Tổ chức dâng hương, giao lưu với nhân chứng, chiếu phim tư liệu, thi tìm hiểu kiến thức về di tích Nhà tù Hỏa Lò, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên... Chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác xây dựng, giới thiệu các clip truyền thông về các nội dung liên quan nhân chứng lịch sử, các sự kiện, câu chuyện, hiện vật... gắn liền với di tích".

Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Ðống Ða) cũng có nhiều hoạt động trong thời gian dừng đón khách. Trong dịp này, cán bộ, nhân viên khu di tích đầu tư xây dựng các chuyên đề chuyên sâu về giới thiệu di sản, nhằm bổ trợ hiệu quả cho nội dung thuyết minh chung đang có. Cùng với đó, công tác tập hợp kết quả nghiên cứu, cập nhật cơ sở dữ liệu về di tích được trung tâm đẩy mạnh làm cơ sở để trưng bày, giới thiệu với công chúng về Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của đất nước; đồng thời, tạo thêm thông tin cho hoạt động giới thiệu, thuyết minh di tích.

Những năm qua, Bảo tàng Hà Nội vừa hoạt động, vừa hoàn thiện phương án trưng bày. Trong lúc dừng đón khách, cán bộ, nhân viên tiếp tục nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, lên kế hoạch cho những trưng bày chuyên đề, phối hợp các làng nghề để triển khai công tác giáo dục di sản… Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng Hà Nội là hoàn thiện phương án trưng bày. Trong dịp này, các chuyên gia quốc tế tiếp tục làm việc trực tuyến với cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hà Nội. Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Ðà, hiện đã có hai phần ba tổ hợp trưng bày được hoàn thiện thiết kế, với các chủ đề: Thiên nhiên Hà Nội, hành trình đến Thăng Long, Kinh đô Thăng Long thời Ðại Việt và Hà Nội thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20. Phần trưng bày còn lại, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2020.

Cho đến nay, Hà Nội đã được nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi vậy, song song với công tác chuyên môn, các di tích, bảo tàng đều thực hiện phun khử khuẩn, tập huấn cho tất cả các cán bộ, nhân viên về công tác phòng, chống dịch bệnh…, sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách trở lại. Di tích Nhà tù Hỏa Lò bố trí sẵn nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt. Tất cả khách sẽ được kiểm tra y tế trước khi vào tham quan. Năm 2020 là năm có nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ, ban quản lý di tích này cũng đã chuẩn bị bốn trưng bày chuyên đề gồm: Khát vọng tự do, Chắp cánh ước mơ, Ký ức Việt Nam, Sắc xuân trong ngục lửa, để phục vụ khách tham quan ngay sau khi được mở cửa trở lại. Các di tích lớn, các điểm văn hóa quan trọng như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc… đều chuẩn bị kỹ càng cho việc đón khách khi điều kiện cho phép.

Đến thời điểm này, một số di tích đã mở cửa đón khách từ ngày 30-4, như các di tích trong phố cổ Hà Nội. Phó Trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan chia sẻ: "Do không gian các di tích trong phố cổ hẹp, cho nên việc vệ sinh, bảo đảm an toàn khi mở cửa được coi trọng. Các điểm di tích, điểm tham quan được vệ sinh hằng ngày, đều có hướng dẫn phòng, chống dịch bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Trung Quốc và các phương tiện cần thiết cho phòng dịch. Cán bộ tại các điểm di tích đều đeo khẩu trang và phổ biến, hướng dẫn cách kiểm tra đo thân nhiệt cho khách, tạo khoảng cách tối thiểu an toàn... Nếu phát hiện các trường hợp bất thường về sức khỏe của khách, cán bộ phải khẩn trương báo lại cho trung tâm y tế phường, quận. Việc nâng cao chất lượng phục vụ khách được quan tâm, nhưng công tác bảo đảm an toàn phòng dịch là quan trọng nhất".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44345302-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-khach-tham-quan.html