Nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp

Sáng 30-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 30-3.

Đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu đánh giá cao công tác tư pháp trong nhiệm kỳ qua. Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đánh giá cao dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Đại biểu nhận định, trong bối cảnh nhiệm kỳ có nhiều trở ngại do dịch Covid-19, các ngành đã có nhiều đổi mới, một số giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để cơ bản hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội đề ra về công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng).

“Công tác tư pháp đã để lại một số dấu ấn như đẩy mạnh tranh tụng cả về hình thức lẫn nội dung; án lệ từng bước được áp dụng; hành chính tư pháp, tòa án điện tử được đẩy mạnh; bước đầu công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng…”, đại biểu Nguyễn Tạo ghi nhận.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu 5 kết quả nổi bật của công tác tư pháp trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội phạm và vi phạm pháp luật khi tổng số vụ án được giải quyết trong nhiệm kỳ tăng 34%; nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng với quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng; hầu hết vụ án đã được đưa ra xét xử đúng thời hạn, đúng pháp luật và nghiêm minh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, quyền con người, quyền công dân đã được bảo vệ tốt hơn; tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng được thể hiện rõ nét; tiệm cận nhiều nội dung tiến bộ của nền tư pháp quốc tế và các cơ quan tư pháp đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các vụ án. “Những thành tựu trong nhiệm kỳ đã thể hiện nỗ lực lớn của các cơ quan tư pháp trong điều kiện án tăng mạnh về số lượng, tính phức tạp trong khi các cơ quan tư pháp phải giảm biên chế theo yêu cầu”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, kết quả chung của ngành Tòa án nói riêng và ngành Tư pháp nói chung trong nhiệm kỳ là công tác xét xử các vụ án tham nhũng. Đại biểu nêu rõ, tất cả vụ án tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời; công tác chuẩn bị phiên tòa rất chu đáo, an ninh trật tự được bảo đảm; thông tin tuyên truyền được chú trọng.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội).

"Các phiên tòa đều được thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp, đổi mới tranh tụng, bảo đảm quyền con người và phán quyết trên cơ sở tranh tụng công khai; công tác thu hồi tài sản được chú trọng; án được áp dụng nghiêm minh đối với các đối tượng cầm đầu nhưng cũng giảm nhẹ đối với đối tượng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến nói.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế, qua đó đề nghị cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có những điều tra viên, kiểm soát viên vẫn chưa thay đổi tư duy, thói quen, nhận thức cũ để phù hợp với những quy định mới. Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa chưa được áp dụng triệt để.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Bên cạnh nhiều mặt đã làm được trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, ngành Tòa án vẫn còn một số tồn tại như trong công tác xét xử, vẫn còn cho hưởng án treo không đúng pháp luật... Ngoài ra, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dù đã giảm, tuy nhiên không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao... Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề xuất ngành Tòa án cần áp dụng phương thức xét xử trực tuyến theo xu hướng chung của thế giới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng công tác tư pháp. Trong đó, đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng, kỹ năng công tác, kiến thức xã hội, đặc biệt là sự liêm chính và ý thức về lẽ công bằng đối với cán bộ hoạt động tư pháp.

“Cần có đề án đưa các chức danh tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... trải nghiệm tại các phòng tiếp công dân của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để thấu hiểu nhân dân hơn”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 18 đại biểu phát biểu ý kiến, 2 đại biểu tranh luận một cách thẳng thắn, mang tính xây dựng cao. Cơ bản các ý kiến bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo và đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng công tác tư pháp trong nhiệm kỳ sắp tới.

* Ngay sau phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày tờ trình về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/994923/nang-cao-chat-luong-nhan-luc-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-hoat-dong-tu-phap