Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô để hợp tác, đầu tư và phát triển

Tại Hội nghị 'Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển', hầu hết các đại biểu đều cho rằng Hà Nội là địa phương có tiềm năng và cơ hội rất lớn trong việc xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để thực hiện thành công các dự án trên, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại Hội nghị "Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển" tổ chức sáng nay (27/6), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá cao Hội nghị được tổ chức chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và hiệu quả thực tế mà Hội nghị mang lại.

Với 3 từ khóa "Hợp tác, đầu tư, phát triển" đã nói lên tầm nhìn, chiến lược của Hà Nội, đó là đầu tư, phát triển phải bền vững, trên nền tảng hợp tác và kết nối. Chủ tịch VCCI cho rằng, Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư mới, trên cơ sở định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

"Hà Nội cần xác định là địa phương tiên phong, đi đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới để từ đó lan tỏa tới cả nước, giống như cách Hà Nội tiên phong trong khống chế dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế", ông Vũ Tiến Lộc mong muốn.

Theo Chủ tịch VCCI, trong thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ này, Hà Nội đã âm thầm chuẩn bị các điều kiện để đón nhận đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hà Nội cũng có nhiều đột phá, tăng hơn 40 bậc trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vươn lên nằm trong top 10. Hà Nội cùng với Quảng Ninh cũng đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong trong triển khai các dự án hợp tác công tư (PPP). Cải cách hành chính, xây dựng chính quyên điện tử được đẩy mạnh, Hà Nội cũng "xanh và nhiều hoa hơn" theo đánh giá của người dân, du khách.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, sơ bộ tại Hội nghị, Hà Nội sẽ ký kết các biên bản với vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD, đây là những dự án có chất lượng đầu tư cao, sau khi thực hiện sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Hà Nội. Song, để thực hiện thành công các dự án trên và đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong tiếp nhận làm sóng đầu tư mới thì hoạt động xúc tiến đầu tư tốt nhất, hiệu quả nhất là phải phục vụ tốt các doanh nghiệp hiện có. Bởi chính các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Hà Nội chính là những người xúc tiến tốt nhất cho Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đặc biệt, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tính tiên phong của lãnh đạo Thành phố hiện nằm trong nhóm dẫn đầu, nhưng tính thân thiện của cán bộ cấp cơ sở vẫn chưa cao. Do vậy, Hà Nội phải phải truyền lửa cải cách, tạo sức ép cải cách đến được cán bộ cơ sở. Muốn vậy, Hà Nội cần xây dựng bộ năng lực cạnh tranh ở cấp sở, ban, ngành, quận, huyện... thành lập tổ công tác, phối hợp với tổ công tác của Trung ương để Hà Nội thực sự dẫn dắt, đón nhận đầu tư mới của các doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.

Cũng góp ý về chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần chú trọng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Theo các tổ chức lao động quốc tế đánh giá, công nghệ thông tin và tự động hóa đang tác động rất lớn đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam và Hà Nội. Cũng theo các tổ chức này, trong thời gian tới công nghệ thông tin tiếp tục có tốc độ phát triển mạnh.

"Thực tế, trong 5 năm qua, công nghệ thông tin đều tăng, năm sau cao hơn năm trước", ông Nhạ cho hay. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Thủ đô Hà Nội hiện có lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất lớn, chiếm 39% của cả nước. Nhu cầu lao động trong lĩnh lực công nghệ thông tin của Hà Nội cũng ngày càng tăng.

"Về nguồn cung, trong mạng lưới các trường đại học chúng tôi có 153 trường đào tạo; hàng năm có 50 nghìn sinh viên ra trường. Việt Nam có tiềm năng phát triển nhưng chương trình đào tạo còn lạc hậu, cơ sở còn chưa được đầu tư, phương phát đào tạo chưa gắn với thực tiễn, nhất là nền tảng tiếng anh còn hạn chế", ông Nhạ nói.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị.

Trên cơ sở đó, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 4 nhóm giải pháp để tạo được sự gắn kết giữa Hà Nội – Đào tạo – Doanh nghiệp. Trong đó, ông Nhạ đề nghị Hà Nội cần có nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về lao động công nghệ thông tin, bởi đây là điều kiện để phát triên kinh tế số Thủ đô trong gian đoạn tới. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này. "Còn về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đã ban hành chương trình đào tạo thí điểm, trong đó kết hợp giữa đào tạo trong trường và đào tạo doanh nghiêp", ông Nhạ nói và cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng chuẩn hóa chương trình đào tạo; tăng cường kiểm định chất lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu để thống kê cung cầu. Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần chủ động đặt hàng, phối hợp với cơ sở đào tạo; hợp tác công - tư để nâng cao năng lực đào tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có các hỗ trợ cho công tác đào tạo như học bổng, học phí…

Góp ý với Hà Nội về chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế IFC cho rằng, các "bệ phóng" đối với Hà Nội đã có sẵn, cùng với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện trong những năm qua là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư FDI trong thời gian tới. Tuy nhiên, Hà Nội cần tái định vị, chuyển ưu thế từ nguồn nhân lực giá rẻ sang lao động có tay nghề cao; chuyển từ thu hút đầu tư thụ động sang chủ động, thu hút đầu tư có mục tiêu và chuyển từ ưu đãi về thuế sang ưu đãi đối với các ngành đầu tư ưu tiên...

Ngoài ra, Hà Nội cần có một môi trường đầu tư tương ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Trước mắt, trên cơ sở đảm bảo các giải pháp an toàn phòng, chống dịch, Hà Nội cần mở cửa để các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, trên cơ sở đó thiết lập các trung tâm hoạt động cũng như liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam để chia sẻ, chuyển giao công nghệ...

Nguyễn Công - Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-thu-do-de-hop-tac-dau-tu-va-phat-trien-109787.html