Nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trong tình hình mới

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những mục tiêu đặt ra đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hiện nay là việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong đó có việc nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11).Thông qua Ngày hội của toàn dân, nhằm tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh việc tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở, thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao quà cho các hộ nghèo phường Láng Hạ nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. (Ảnh: Lê Hải)

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao quà cho các hộ nghèo phường Láng Hạ nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. (Ảnh: Lê Hải)

I. Nội dung Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

1. Công tác tuyên truyền.

a. Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng.

- Tuyên truyền kết quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị của Mặt trận với chính quyền, các tập thể, hộ gia đình, cá nhân đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, khu dân cư, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b. Hình thức tuyên truyền

- Tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình.

- Tuyên truyền thông qua cuộc họp của thôn, tổ dân phố ở khu dân cư, sinh hoạt của Mặt trận và các đoàn thể Nhân dân.

- Xây dựng các cụm thông tin, cổ động, panô, áp phích, khẩu hiệu ở các khu trung tâm, nơi tập trung đông người gắn với chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Các cơ quan, công sở trang trí khẩu hiệu tuyên truyền cổ động trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020).

- Vận động các hộ gia đình treo cờ Tổ quốc trong dịp tổ chức Ngày hội.

2. Các hoạt động chào mừng, hưởng ứng Ngày hội Đại đoàn kết.

a. Tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa Nhân dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền để thông tin, trao đổi và giải quyết những vấn đề Nhân dân quan tâm, nhất là những bức xúc ở cộng đồng dân cư; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

b. Đánh giá kết quả các hoạt động xây dựng cộng đồng dân cư, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong 5 năm qua (2015 – 2020) và 03 năm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội (2017 – 2020); bàn biện pháp tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động và các hoạt động xây dựng cộng đồng dân cư tự quản. Tổ chức các hình thức tọa đàm, trao đổi, phát huy sáng kiến của Nhân dân tham gia xây dựng quê hương...

c. Tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ...

d. Xây dựng, khánh thành nhà Đại đoàn kết, các công trình phúc lợi, công trình dân sinh ở cộng đồng nhân dịp Ngày hội.

đ. Tổ chức các hoạt động về môi trường: Trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang khu dân cư sạch, đẹp...

e. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, hội thi, hội diễn, các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chú trọng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

g. Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiêu biểu của địa phương nhằm vinh danh sản phẩm truyền thống, nghệ nhân tiêu biểu tạo khí thế sôi nổi trong Ngày hội.

h. Tổ chức vinh danh các gia đình, dòng họ có thành tích trong phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Vinh danh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động mừng thọ, đám cưới vàng, đám cưới kim cương nhân dịp tổ chức Ngày hội.

i. Tùy theo điều kiện thực tế có thể tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” phù hợp để tạo không khí đoàn kết, ấm cúng trong khu dân cư. Đối với các khu dân cư đô thị (có điều kiện) nên tổ chức phần Hội tại các nơi công cộng theo hình thức sân khấu hóa nhằm tạo không khí sôi nổi và thu hút sự tham gia của bà con ở khu dân cư

3. Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

a. Thành phần tham gia Ngày hội:

- Nhân dân ở khu dân cư, liên khu dân cư; người dân đi làm ăn xa; cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang các câp đóng trên địa bàn.

- Mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động hỗ trợ, đóng góp cho cộng đồng dân cư.

- Mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, đại biểu các cơ quan, đơn vị kết nghĩa của địa phương đến dự Ngày hội.

b. Hình thức trang trí:

- Treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu trên địa bàn khu dân cư.

- Ma két trang trí nơi tổ chức phần Lễ của Ngày hội:

c. Thời gian tổ chức:

Thời gian tổ chức Ngày hội nên diễn ra 01 ngày, tập trung trong khoảng thời gian từ ngày 01/11/2020 đến hết ngày 18/11/2020.

d. Chương trình Ngày hội:

* Phần Lễ:

(1) Chào cờ.

(2) Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu (gắn với ôn lại lịch sử, truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuyên truyền nghị quyết Đại hội Đảng các cấp).

(3) Báo cáo của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư hoặc liên Ban Công tác Mặt trận khu dân cư (nếu tổ chức liên khu dân cư), gồm các nội dung chính:

- Khái quát chung về cộng đồng dân cư, kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” 5 năm (2015 – 2020) và 03 năm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội (2017 – 2020). Tình hình đời sống Nhân dân và phương hướng thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong những năm tới.

(4). Các đại biểu trao đổi, thảo luận

(5). Chủ trì phát biểu tiếp thu và giải trình (nếu có).

(6). Biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân có nhiều thành tích xây dựng cộng đồng dân cư trong 5 năm (2015 – 2020)

(7). Mời lãnh đạo cấp trên phát biểu, tặng quà (nếu có).

(8). Phát động Nhân dân cộng đồng dân cư hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2020 - 2025) .

(9). Phát biểu cảm ơn và kết thúc buổi Lễ.

* Phần Hội theo nội dung(có thể tổ chức trước hoặc sau phần Lễ):

e. Trách nhiệm chủ trì tổ chức Ngày hội:

- Tổ chức Ngày hội ở 01 khu dân cư: Do Ban Công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tổ chức;

- Tổ chức Ngày hội có từ 02 khu dân cư trở lên: Do liên Ban Công tác Mặt trận chủ trì phối họp với các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tổ chức.

- Tổ chức Ngày hội trong phạm vi toàn xã, phường, thị trấn: Do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức.

II. Tồn tại, hạn chế:

1. Một số khu dân cư tổ chức Ngày hội còn hình thức, nặng nề phần lễ, chưa quan tâm đúng mức phần hội, nên việc thu hút trong Nhân dân trong cộng đồng dân cư tham gia còn hạn chế.

2. Việc đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của một số địa phương còn chung chung, chưa cụ thể gắn với tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư.

3. Chất lượng tổ chức Ngày hội chưa đồng đều giữa các địa phương.

4. Năng lực tổ chức, điều hành của ban công tác Mặt trận một số nơi còn lúng túng. Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa, việc biểu dương tập thể cá nhân tiêu biểu có nơi còn chưa tạo thành động lực đẻ thúc đẩy phong trào.

III. Giải pháp nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trong thời kỳ mới

- Thứ nhất, cần tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chuẩn bị tích cực, chu đáo để Ngày hội thực sự là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Coi trọng ký kết kế hoạch liên tịch phối hợp hàng năm giữa Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để có sự phối hợp đồng bộ, có diều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp với các hoạt động văn hóa xã hội của cộng đồng dân cư…

- Thứ hai, coi trọng công tác tuyên truyền trước, trong và sau Ngày hội nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm tham gia của quần chúng, nhân dân trong khu dân cư.

- Thứ ba, không ngừng sáng tạo, đổi mới, nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế của khu dân cư, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội. Động viên, khai thác phát huy sức sáng tạo, các nguồn lực, tiềm năng trong nhân dân. Làm tốt công tác tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến để nhân rộng.

- Thứ tư, tiếp tục nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là Trưởng, Phó ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; nêu cao vai trò chủ trì của Ban công tác Mặt trận và sự phối hợp đồng bộ giữa các đoàn thể ở khu dân cư.

Ban Phong trào

(Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-o-khu-dan-cu-trong-tinh-hinh-moi-112623.html