Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài

Sáng 13-11, tại Trường Đại học Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh), Báo Tiền phong phối hợp Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo 'Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài'.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 10 tháng đầu năm 2018 có gần 120.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm có khoảng 17.400 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc, chiếm hơn 35% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài với ngành nghề phù hợp và mức lương cao nhờ kinh nghiệm và chứng chỉ có được trong thời gian xuất khẩu lao động.

Quang cảnh hội thảo.

Tham luận của các đại biểu tại hội thảo cho biết thêm, hiện nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã liên kết, hợp tác với các đơn vị xuất khẩu lao động để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc xuất khẩu lao động. Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề... Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý. Do đó, đối tượng xuất khẩu lao động ngày càng được mở rộng không chỉ lao động phổ thông, mà còn đối tượng trí thức, có trình độ cao.

Để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, tham luận của các đại biểu cho rằng, cần phải đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ năng, tay nghề cao, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn, đào tạo lao động theo nhu cầu của xã hội, yêu cầu của đối tác quốc tế. Cùng với đó, cần giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm, mở rộng thị trường, ngành nghề tiếp nhận lao động trình độ cao của Việt Nam đi làm việc nước ngoài.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/nang-cao-chat-luong-lao-dong-di-lam-viec-tai-nuoc-ngoai-554330