Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở

Để giải quyết tình trạng thiếu cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại địa phương, đặc biệt là những tỉnh vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế đã mở rộng đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu theo nguyên lý y học gia đình để quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân.

Mục tiêu đặt ra là mọi người dân được chăm sóc sức khỏe (CSSK) ngay tại nơi sinh sống, không phải vất vả tốn kém lên tuyến trên. Theo ý kiến của các chuyên gia y tế, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tuyến cơ sở là mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ).

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế): Ở nước ta khái niệm BSGĐ hiện còn khá mới mẻ, nhưng ở các nước có nền y học phát triển thì mô hình này có từ khá lâu. Nguyên lý của BSGĐ là quản lý, CSSK toàn diện người dân ở ngay tuyến cơ sở. Các bác sĩ tuyến cơ sở có thể nắm được tiền sử bệnh tật của người dân trong khu vực, từ đó quản lý và CSSK người dân trước, sau hôn nhân, khám thai, tiêm chủng và điều trị những bệnh thông thường ở tuyến cơ sở... Tuy nhiên, lâu nay khái niệm BSGĐ vẫn được hiểu là bác sĩ đến KCB tại nhà. Thực chất, BSGĐ là tuyến KCB đầu tiên, giúp theo dõi sức khỏe ban đầu, sàng lọc và chữa trị những bệnh thông thường. Đã đến lúc chúng ta cần phải hiểu BSGĐ là lực lượng quan trọng giúp phòng, tránh bệnh tật và giải quyết bệnh tật ban đầu, giúp điều phối giữa các chuyên khoa trong điều trị ngoại chẩn và là cầu nối giữa người bệnh với bệnh viện khi cần điều trị nội trú. Hoạt động BSGĐ được tổ chức tại một số địa phương với các mô hình khác nhau, như: Trung tâm BSGĐ; phòng khám BSGĐ; trạm y tế có hoạt động BSGĐ... Các phòng khám BSGĐ, bao gồm các phòng khám lồng ghép tại trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa và phòng khám tư nhân. Khám bệnh tại nhà chỉ là một phần nhỏ công việc của BSGĐ.

Hà Nội là 1 trong 8 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế thực hiện thí điểm mô hình BSGĐ. Những tín hiệu khả quan bước đầu cho thấy mô hình này đem lại niềm tin rất lớn khi dịch vụ quản lý, CSSK gia đình đến gần người dân nhất. Ví dụ, tại huyện Sóc Sơn, mô hình này được triển khai ở 26/26 trạm y tế, 5 phòng khám đa khoa của huyện. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến khám tại các trạm y tế xã thời gian qua tăng rất nhanh và cũng đồng nghĩa với việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Theo ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, nếu như năm 2010, chỉ có 90.000 người tới khám tại các trạm y tế xã thì năm 2017 tăng lên gần 385.000 lượt người và 6 tháng năm 2018 là 204.000 lượt người. Đến hết năm 2017 có 97,4% số dân trong huyện được quản lý sức khỏe bằng phần mềm điện tử.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo, hiện nay mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình kép. Các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng. Bởi vậy, việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mãn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết. BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ bền vững với người bệnh. Đây là những thầy thuốc gắn bó với dân và gần dân nhất. BSGĐ là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ tiền sử bệnh tật của từng người bệnh và hoàn cảnh gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh, lối sống của người đó trong cộng đồng.

Hiện tại, ngành y tế đã có đánh giá tổng hợp 8 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình để rút kinh nghiệm và hướng tới nhân rộng trên cả nước với mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 80% tỉnh, thành phố triển khai mô hình BSGĐ. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này cũng nảy sinh không ít bất cập do không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện theo đúng nguyên lý y học gia đình. Đã thế, việc chi phí cho KCB tại nhà vẫn mang tính tự phát, theo thỏa thuận của người bệnh và bác sĩ. PGS, TS Lương Ngọc Khuê, thừa nhận: "Hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình này tại các địa phương. Đó là, tại các phòng khám BSGĐ hầu hết mới chỉ có trang thiết bị phục vụ KCB thông thường, như: Ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ... Bên cạnh đó, hầu hết các trạm chưa có phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân; nhiều dịch vụ kỹ thuật chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, còn hạn chế số lượng và chủng loại thuốc theo danh mục… Tất cả những bất cập này khiến người dân chưa mặn mà đến KCB tại trạm y tế".

Để dần khắc phục những hạn chế nêu trên, trước hết rất cần sự vào cuộc của BHXH, BHYT. Bởi những người dân có thẻ BHYT cũng có quyền sử dụng dịch vụ này và phải có phần chi trả của bảo hiểm để duy trì nguồn lực cung cấp dịch vụ cho người dân. Quan trọng hơn là xã hội cần nhìn nhận BSGĐ là một ngành học để mở rộng đào tạo chuyên sâu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho mô hình này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế có cơ chế phù hợp cho xã hội hóa đầu tư nâng cấp trạm y tế để khai thác sử dụng, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

AN AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-o-tuyen-co-so-552792