Nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng hệ thống trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình như chỉ đạo của Bộ Y tế. Ngoài ba trạm y tế được Bộ Y tế chọn làm điểm là Trạm Y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú), Trạm Y tế phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) và Trạm Y tế xã Thạnh An (huyện Cần Giờ), đến nay, thành phố đã có thêm chín trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Các trạm y tế hoạt động theo mô hình này được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ như: Tăng cường truyền thông giáo dục, nâng cao sức khỏe; lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, phấn đấu mọi người đều được theo dõi, khám sức khỏe ít nhất một lần/năm; quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, huyết áp, tim mạch; triển khai tốt công tác tiêm chủng,… Thực tế cho thấy, sau khi được nâng cấp và hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, hoạt động khám, điều trị bệnh ở các trạm y tế điểm đã có những chuyển biến tích cực. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các trạm y tế hoạt động theo mô hình mới đã thu hút lượng người bệnh đến khám tăng 40 đến 50% so với trước. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên về chuyên môn, chất lượng trong điều trị bệnh ở các trạm y tế đã được nâng lên, người dân đã tin tưởng và an tâm hơn khi đến khám ở các trạm y tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, để mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình hoạt động ngày càng hiệu quả, lâu dài, ngành y tế cần có lộ trình hợp lý để khắc phục những bất cập. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế phải bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Trước hết, dù được bổ sung về đội ngũ bác sĩ nhưng trên thực tế, số lượng bác sĩ chuyên môn cao tại các trạm y tế vẫn rất thiếu. Chế độ đãi ngộ còn hạn chế cho nên các trạm y tế chưa thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc. Vì thế, dù số người dân đến khám tại các trạm y tế có tăng hơn, nhiều người dân vẫn lựa chọn đi khám ở tuyến trên. Bên cạnh đó, việc cải tạo, trang bị cơ sở hạ tầng đối với các trạm y tế dù đã có sự đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ cho các hoạt động của trạm y tế theo mô hình mới. Vì thế ngành y tế cần xây dựng chuẩn chung, phù hợp với từng vùng, địa phương cho các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Nâng cao chất lượng trạm y tế là điều cần thiết vì với mật độ dân số đông như TP Hồ Chí Minh, các trạm y tế hoạt động hiệu quả sẽ giảm tải đáng kể cho các cơ sở y tế tuyến trên. Mặt khác, ngoài chức năng khám, chữa bệnh ban đầu, trạm y tế còn có các nhiệm vụ quan trọng như phòng, chống dịch bệnh, hoạt động y tế cộng đồng, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia,… Do vậy, nếu được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, thuốc, trang thiết bị và nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hy vọng hệ thống trạm y tế sẽ trở thành “người gác cổng” hiệu quả cho ngành y tế trong tương lai.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40178902-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-tram-y-te.html