Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban thường vụ, Ban chấp hành, sự đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn và công nhân viên chức lao động, thời gian qua, phong trào công nhân viên chức lao động, hoạt động Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội được duy trì ổn định, ngày càng phát triển, chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở không ngừng được nâng cao.

Sáng tạo vượt khó

Ông Hoàng Thanh Sơn- Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội cho biết, Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội hiện đang quản lý 69 công đoàn cơ sở trực thuộc với 14.440 đoàn viên, trong đó đoàn viên nữ là 12.911 người, chiếm 89%. Hoạt động Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội luôn được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố; sự phối hợp chỉ đạo của Công đoàn Dệt may Việt Nam đồng thời có thuận lợi là một số công đoàn cơ sở là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa,đơn vị ngoài nhà nước có đông lao động phát huy tốt truyền thống hoạt động, thể hiện rõ vai trò của tổ chức Công đoàn, đóng góp quan trọng vào kết quả hoạt động Công đoàn Ngành.

Ban chấp hành Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội luôn chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động.

Ban chấp hành Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội luôn chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động.

Tuy vậy, hoạt động của Công đoàn ngành cũng gặp nhiều khó khăn khi không có cấp ủy, chính quyền đồng cấp. Bên cạnh đó, phần lớn lao động ngành Dệt May có tuổi đời trẻ, tay nghề thấp, lao động thường xuyên biến động, do đó việc tập hợp vào tổ chức Công đoàn còn khó khăn.Trình độ học vấn, tay nghề của số đông công nhân viên chức lao động chưa được đào tạo cơ bản; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế.Những tác động của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng công nhân lao động trong ngành Dệt May.

Đặc biệt, đời sống vật chất của công nhân lao động ngành Dệt May còn thiếu thốn, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động phổ thông tại các doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân. Giá cả các mặt hàng thiết yếu và tiêu dùng không ổn định, chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu của công nhân lao động chưa được đảm bảo, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thu nhập của công nhân lao động phần lớn chỉ đủ để trang trải cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, hoạt động Công đoàn ngành còn gặp khó do công đoàn cơ sở là nhóm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ cao, địa bàn rộng, hoạt động phân tán trên địa bàn các quận, huyện, thị xã và các tỉnh lân cận, quy mô sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm khác nhau.

Theo ông Hoàng Thanh Sơn, trước những thuận lợi và khó khăn như vậy, ngay sau khi được thành lập, Công đoàn Ngành đã tập trung công tác kiện toàn tổ chức công đoàn cơ sở, khảo sát, rà soát, tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở, tìm hiểu tình hình đời sống việc làm công nhân lao động, tập hợp đánh giá, định hướng cho công tác chỉ đạo hoạt động.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã sáng tạo, phân nhóm công đoàn cơ sở như: Nhóm công đoàn cơ sở hoạt động đồng đều, khá và còn yếu, từ đó lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với từng nhóm, đơn vị để chỉ đạo hoạt động, trong đó chú trọng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện tốt 3 chức năng, 5 nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở được quy định trong điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Những kết quả đáng ghi nhận

Với sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo của Công đoàn Ngành, hoạt động Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong thực hiện chức năng đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Lãnh đạo Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội trao kinh phí hỗ trợ xây dựng Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn

Chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở được nâng lên, phương thức hoạt động công đoàn cơ sở ngày càng đổi mới với phương châm hướng mạnh về cơ sở và vì người lao động. Hoạt động công đoàn cơ sở đã bám sát Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nhiệm vụ chính trị của cấp trên, địa phương và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân lao động.

Điển hình, Công đoàn Ngành đã chủ động phối hợp với Hội Dệt may thành phố Hà Nội xây dựng và ký kết được Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may Hà Nội (tỷ lệ Công đoàn cơ sở tham gia đạt 60%). Hàng năm, có trên 70% đơn vị tổ chức Hội nghị Người lao động, công đoàn cơ sở chủ động tham gia, đàm phán, thương lượng, tổ chức ký kết Thỏa ước tập thể doanh nghiệp đạt 66,7 %; 46/69 đơn vị xây dựng được bộ quy chế trong quan hệ lao động, gồm: Quy chế dân chủ, Hội nghị Người lao động, đối thoại; Quy chế phối hợp với Ban Giám đốc, hoạt động Ban chấp hành, Ủy ban kiểm tra và quy chế chi tiêu nội bộ tại cơ sở.

Các cấp Công đoàn Ngành đã thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát việc chấp hành thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, các biện pháp đảm bảo An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Hàng năm, Công đoàn Ngành đều chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy” chăm lo đời sống cho đoàn viên, công nhân lao động; hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà, trao nhà “Mái ấm Công đoàn”; tổ chức xe ô tô miễn phí đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; hỗ trợ vé xe Tết cho công nhân lao động...

Các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân vào dịp tháng 5 hàng năm cũng được đẩy mạnh tại các Công đoàn cơ sở ngành Dệt May Hà Nội như: Tổ chức ngày hội công nhân, Hát cho công nhân nghe- nghe công nhân hát; Khám sức khỏe định kỳ; Tổ chức các hoạt động “Cảm ơn người lao động”; đối thoại, tổ chức diễn đàn “Nghe công nhân nói - nói để công nhân nghe”, tổ chức bình chọn, tôn vinh “công nhân lao động tiêu biểu”, biểu dương điển hình tiên tiến trong dịp “Tháng Công nhân”...

Ngoài ra, các cấp Công đoàn Ngành thường xuyên tổ chức và phát động các phong trào thi đua dài ngày, ngắn ngày chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố, địa phương, ngành và đơn vị, sau mỗi đợt đều có sơ, tổng kết động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào đồng thời tập trung tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho công nhân viên chức lao động về 6 nội dung cơ bản: Chính trị - tư tưởng; Pháp luật; Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp; Truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, dân tộc Việt Nam; Lối sống văn hóa, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp và Giáo dục thẩm mỹ, thể chất…

Đặc biệt, Công đoàn ngành luôn chú trọng quan tâm xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở ngành Dệt-May Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, chọn 03 công đoàn cơ sở thuộc các loại hình doanh nghiệp để chỉ đạo thực hiện thí điểm đề án, tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả của đề án để rút kinh nghiệm và nhân rộng đến các công đoàn cơ sở trong toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được, trong những năm qua Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 03 bằng khen, Liên đoàn Lao động Thành phố tặng 07 cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn cùng nhiều bằng khen chuyên đề như: Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Công tác Nữ công; Công tác chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ...

Ông Hoàng Thanh Sơn cho biết, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở,trong đó sẽ tiếp tục đổi mới công tác điều hành của Ban Thường vụ, Ban chấp hành công đoàn các cấp; tiếp tục thực hiện phân nhóm, chia cụm Công đoàn cơ sở để chỉ đạo hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở./.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cong-doan-co-so-115452.html