Nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình cấp nước

Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tạo mạng lưới cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Hiện trên địa bàn tỉnh có 183 hồ chứa nước, tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3 nước. Những công trình này được các đơn vị quản lý, khai thác và các địa phương thường xuyên kiểm tra, có phương án bảo vệ, tu sửa thường xuyên.

Đập Đầm Hà Động (huyện Đầm Hà) được sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên.

Đập Đầm Hà Động (huyện Đầm Hà) được sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên.

Thực trạng mạng lưới cung cấp nước

Theo Sở NN&PTNT, trong số 183 hồ chứa nước trên địa bàn thì 12 hồ có dung tích hơn 3 triệu m3 nước, 43 hồ có dung tích từ 0,5-3 triệu m3 nước, 128 hồ dung tích từ 50.000m3 đến dưới 0,5 triệu m3, còn lại là hồ có dung tích chứa nhỏ hơn.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 394 đập nước dâng trên các sông suối, trong đó có 4 đập dâng có chiều cao đập lớn hơn 5m; 102 trạm bơm tưới tiêu, tổng công suất khoảng 72.936m3/h; 3.243,83km kênh, mương các loại.

Các đập chứa nước vừa và lớn cùng 16 trạm bơm tưới tiêu trên địa bàn tỉnh hiện được giao cho các công ty TNHH MTV Thủy lợi của tỉnh quản lý và khai thác. Trong những năm qua, các công ty này quản lý, vận hành, khai thác các công trình khá tốt, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Trạm Quản lý thủy nông TP Uông Bí bố trí lực lượng khắc phục sự cố sập 100m kênh đoạn qua phường Nam Khê, TP Uông Bí. Ảnh: Hải Hà

Các đập, hồ chứa nước nhỏ được giao cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác; 85 trạm bơm nhỏ do các hợp tác xã quản lý, tập trung phần lớn ở TX Đông Triều. Hệ thống trạm bơm này có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho diện tích canh tác của nông dân ở các địa phương của tỉnh.

Thực tế, hầu hết các công trình đập, hồ chứa nước, hệ thống kênh tưới tiêu ở Quảng Ninh đảm bảo công tác cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh. Mặc dù vậy, có một số hồ, đập ngăn nước có hiện tượng hỏng, thấm nước qua thân và nền đập, đất đá bồi lấp... cần được sửa chữa, như các hồ: Tân Yên (TX Đông Triều); Cái Mắm (TP Hạ Long); Đầm Tròn, Ngọc Thủy, Tống Hôn, Khe Chàm (huyện Vân Đồn); Khe Cát, Cống To, Trương Quý (huyện Tiên Yên); một số hồ ở huyện Cô Tô. Nhiều trạm bơm trên địa bàn được xây dựng từ lâu, hiệu suất các máy bơm thấp. Một số kênh tưới tiêu xây bằng gạch có hiện tượng rò rỉ, thấm nước...

Chung tay bảo vệ các công trình thủy lợi

Để đảm bảo an toàn hồ, đập, giúp người dân chủ động được nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt, hằng năm, trước và sau mùa mưa bão, Sở NN&PTNT đều chủ trì, thành lập các đoàn công tác, phối hợp với các địa phương, chủ sở hữu, quản lý, khai thác hồ, đập tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình, lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành hồ chứa. Sở NN&PTNT cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ, đập phải thực hiện nghiêm túc Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Kênh mương tại xã Tiền An (TX Quảng Yên) đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất của người dân. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Hằng năm, tỉnh đều đầu tư nâng cấp một số công trình hồ, đập, kênh mương trên địa bàn. Cụ thể năm 2020, nhiều hồ được sửa chữa, nâng cấp, như các hồ: Khe Chè, Đồng Đò I, Rộc Chầy, Quán vương, Đá Trắng (TX Đông Triều); Sau Làng, Rộc Cùng (TP Hạ Long); Voòng Tre, Khe Bòng (huyện Vân Đồn); Ông Vụ, C22, Ông Mẫn (huyện Cô Tô); Khe Táu (huyện Tiên Yên); Tân Bình (huyện Đầm Hà); Trúc Bài Sơn (huyện Hải Hà). Các trạm bơm tưới tiêu do các công ty TNHH MTV Thủy lợi quản lý, vận hành đều được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Các công trình thủy lợi, công trình cấp nước luôn được ưu tiên đầu tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình đầu tư cho xã miền núi, dân tộc thiểu số. Điều này đã góp phần phát huy hiệu quả trong việc tích trữ nước, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương cũng đã phân công trách nhiệm cho cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền cấp xã trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn công trình thủy lợi; xử lý kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi; tổ chức trực ban trong mùa mưa lũ để chủ động các phương án điều tiết hồ chứa nước an toàn.

Các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình; vận động nhân dân tham gia bảo vệ các hồ, đập, sông suối, hệ thống kênh, mương trên địa bàn; cùng giám sát, phát hiện, thông tin kịp thời các vụ, cá nhân làm ảnh hưởng đến công trình; giám sát chất lượng các công trình thủy lợi trên địa bàn. Hằng năm chuẩn bị cho mùa vụ, các thôn, bản đều vận động bà con tiến hành nạo vét kênh mương, gia cố các đoạn kênh, mương bị sạt lở, xuống cấp...

Đặc biệt trong năm 2021, Sở NN&PTNT cùng các địa phương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa; qua đó tăng cường công tác quản lý chất lượng của các hồ chứa nước, đập dâng; tập trung duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng thủy lợi, sử dụng hiệu quả, đa mục tiêu đối với các hồ chứa nước trên địa bàn.

Thu Nguyệt

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu: “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng công trình”

Huyện Bình Liêu hiện có 34 công trình kênh, mương, đập hoàn thành kiên cố hóa, tổng chiều dài 39.950,6m. Năm 2020, trên địa bàn huyện có 18 công trình khởi công mới, tổng chiều dài 15.491,4m. Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của tỉnh, Sở NN&PTNT, Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch tưới tiêu; rà soát các công trình hư hỏng, xuống cấp để lập kế hoạch ưu tiên các hạng mục công trình mang tính cấp bách đưa vào tu sửa, nâng cấp từ nguồn kinh phí được phân cấp hằng năm.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình.

Ông Đồng Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà: “Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh dẫn nước và hệ thống cấp nước hợp vệ sinh”

Những năm qua, tỉnh, huyện luôn quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, nước hợp vệ sinh trên địa bàn, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Riêng với xã Quảng Sơn, hệ thống thủy lợi ở các thôn, bản được đầu tư đầy đủ, đảm bảo cung cấp nước tưới cho hơn 80% diện tích đất sản xuất; còn lại là số diện tích đất sản xuất ở trên cao. Trên 90% số người dân xã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Xã đã giao những công trình thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư do xã quản lý về các thôn, bản. Các thôn, bản đều thành lập tổ quản lý, theo dõi để kịp thời báo cáo xã những hỏng hóc để sửa chữa. Trước khi vào mùa vụ, các thôn, bản đều tổ chức nạo vét kênh mương đưa nước về đồng ruộng. Trên địa bàn xã có đập trữ nước Trúc Bài Sơn, nên xã rất chú trọng tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn.

Bà con trong xã cũng đề xuất Nhà nước tiếp tục quan tâm sửa chữa, nâng cấp những kênh, mương đã xuống cấp, nhất là kênh mương xây bằng gạch từ nhiều năm trước; tăng cường lắp đặt hệ thống lọc nước tại các công trình nước hợp vệ sinh để cung cấp nước cho bà con.

Ông Ngô Văn Kết, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Vườn Chay, xã Tiền An, TX Quảng Yên: “Kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo phục vụ sản xuất”

Chi hội Cựu chiến binh thôn được giao quản lý các tuyến kênh mương cấp 3 trên địa bàn. Các dịp đầu xuân, mỗi quý hoặc đột xuất, các hội viên tích cực tham gia dọn kênh mương lấy nước phục vụ nhân dân sản xuất. Hội cũng thường xuyên cử hội viên kiểm tra, rà soát các tuyến kênh mương để kịp thời báo cáo khắc phục khi có sự cố. Qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cùng với hỗ trợ đầu tư xây dựng các bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, người dân dần nâng cao ý thức, hạn chế tình trạng vứt xả rác xuống kênh mương, góp phần gìn giữ vệ sinh môi trường, nguồn nước. Hiện nay, phần lớn tuyến kênh mương trên địa bàn thôn đã được kiên cố hóa, còn lại là do ở xa khu vực trung tâm. Thời gian tới, thôn mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành thực hiện kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo phục vụ sản xuất của nhân dân.

Ông Lý Tài Thông, thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long: “Mỗi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước”

Vừa qua, thôn Bằng Anh được đầu tư hệ thống ống dẫn nước từ Đồng Mương về phục vụ bà con. Nhờ đó, không còn hiện tượng tắc mương dẫn do lá cây vùi lấp. Điều kiện tưới tiêu trên các đồng ruộng cũng được nâng lên rất nhiều. Các công trình nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của bà con cũng đảm bảo. Xã thường xuyên tuyên truyền bà con các quy định về bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Theo tôi, việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi vậy mà người dân ở thôn luôn động viên, bảo ban nhau giữ gìn rừng phòng hộ để tránh cạn kiệt nguồn nước; không thả trâu ở gần các khe suối để giữ sạch nguồn nước. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của bà con còn hạn chế, nên xã hội hóa đầu tư các công trình thủy lợi gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục quan tâm nâng cao một số đập chứa nước trên địa bàn để tạo áp lực dẫn nước mạnh hơn lên các ruộng cao; điều này rất cần thiết đối với những xã miền núi như Tân Dân.

Thu Nguyệt - Thanh Hoa (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cac-cong-trinh-cap-nuoc-2522474/