Nâng cao chất lượng giáo dục, học tập lý luận chính trị

Đó là một trong những nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Trường Chính trị tỉnh đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Trần Văn Dư cho biết: Toàn trường hiện có 37 cán bộ, giảng viên, trong đó có 55% là giảng viên. Thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã chú trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các khoa, phòng; từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như đổi mới công tác quản lý học viên... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy.

Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên của trường đã kết hợp giữa kiến thức lý luận và thực tiễn; chủ động cập nhật những thông tin mới; kết hợp giữa phương pháp thuyết trình và các phương pháp giảng dạy tích cực, qua đó giúp học viên nắm được nội dung cơ bản của chương trình học. Tùy vào từng chức danh cán bộ được cử đi học sẽ có sự linh hoạt đổi mới về nội dung chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, hiệu quả.

Để bài giảng được sinh động, chuyển tải có hiệu quả nội dung nghị quyết, các quan điểm, đường lối của Đảng đến với học viên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh không chỉ đầu tư nghiên cứu, thảo luận để nắm chắc nội dung các văn kiện, nghị quyết của Đảng, mà còn tích cực nghiên cứu thực tế qua nhiều kênh, trong đó bố trí thời gian đi nghiên cứu thực tế tại các sở, ngành, địa phương. Trường cũng đã mời giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy ở một số chuyên đề nhằm cung cấp thêm thông tin và kinh nghiệm thực tế, để học viên nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn công tác. Đồng thời, thường xuyên thực hiện hoạt động dự giờ, thao giảng, kiểm tra giáo án của giảng viên...

Trong 5 năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã mở lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho gần 6.000 học viên; phối hợp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng cho khoảng 10.000 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ở các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Trần Văn Dư, để nâng cao chất lượng đào tạo LLCT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong tình hình mới, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chứ không phải chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên của trường cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng vẫn phải nỗ lực để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nâng cao kiến thức về lý luận và thực tiễn. Trường Chính trị tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có từ 1 - 3 nghiên cứu sinh. Về cơ sở vật chất, trường đã được đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn I và đã đưa vào sử dụng, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, thời gian tới cần tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn II, hoàn thiện khu ký túc xá... để phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập, ở lại trường của học viên.

Công tác quản lý học viên phải được siết chặt, đảm bảo nền nếp, đúng quy định. Nhu cầu đào tạo LLCT của các địa phương, đơn vị ngày càng tăng, do vậy Trường Chính trị tỉnh đã mở nhiều lớp ở các huyện, thị xã, thành phố. Mặc dù vậy, một số địa phương chưa có sự phối hợp tốt với trường trong công tác quản lý học viên. Thực tế công tác phối hợp giữa nhà trường với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý, đánh giá chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục.

Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức khi được cử đi học cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc học, tránh tình trạng lười học, ngại học LLCT. "Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đổi mới, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác đào tạo LLCT và bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ lãnh đao, quản lý, công chức, viên chức trong tỉnh; phấn đấu xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn. Cùng với thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng; trường sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham vấn chính sách cho địa phương", ông Trần Văn Dư cho biết thêm.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202105/nang-cao-chat-luong-giao-duc-hoc-tap-ly-luan-chinh-tri-3055323/