Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, có giải pháp phù hợp để cải cách tiền lương

Bước sang ngày làm việc cuối cùng của các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, sáng 6-6, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ. Buổi chiều, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến nội dung trả lời chất vấn của các bộ trưởng và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Kiên quyết xử lý tình trạng bạo hành trẻ mầm non

Đề cập tới vấn đề vi phạm đạo đức nhà giáo ngày càng nhiều, nhất là tình trạng bạo hành trẻ mầm non, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) nêu vấn đề: Có phải do thầy cô chịu quá nhiều áp lực nên thời gian vừa qua xuất hiện nhiều vụ việc thầy cô hành xử không phù hợp?

Nhìn nhận việc bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục là một trong những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện cả nước có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, với 337.000 giáo viên mầm non; về cơ bản các giáo viên mầm non đều có tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu rõ, việc bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Tinh thần của bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ và những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực; đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không bảo đảm điều kiện hoạt động. Theo Bộ trưởng, cái gốc để giải quyết vấn đề là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chế độ đãi ngộ để làm sao giáo viên yên tâm với nhiệm vụ của mình.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Ảnh: TTXVN

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Ảnh: TTXVN

Tham gia làm rõ vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng các vụ việc bạo hành trẻ mầm non diễn ra ngày càng nhiều là do chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Hiện nay chúng ta có khoảng 60% giáo viên mầm non đã được học cao đẳng trở lên, còn gần 40% đã học trung cấp. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm rất quan trọng.

Đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở

Đánh giá việc phân luồng giáo dục, hướng nghiệp chưa tốt dẫn đến tình trạng tỷ lệ học sinh thi vào đại học quá lớn trong khi học nghề lại ít, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình), Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm rõ chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở nhằm tránh những bất cập hiện nay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có đề án chỉ đạo về vấn đề này nhưng thời gian qua, kết quả chưa tốt. Nguyên nhân cốt lõi là do chương trình giáo dục chưa quy định rõ về hướng nghiệp và phân luồng. Hiện nay, phân luồng giáo dục ở bậc phổ thông chủ yếu mang tính bắt buộc, tức là học sinh thi đại học không đỗ thì vào học nghề. Hiện Chính phủ đã có đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, trong đó có chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực làm công tác hướng nghiệp, thời gian vừa qua đội ngũ này còn kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, phải giúp học sinh nắm được thông tin thực tiễn về thị trường lao động, đặc điểm nghề nghiệp; đồng thời chương trình học phải tạo sự hấp dẫn, khơi dậy đam mê, yêu thích, chủ động lựa chọn nghề nghiệp, chứ không phải giải pháp tình huống là thi đỗ đâu thì học đó. “Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để có giải pháp tốt cho vấn đề phân luồng học sinh", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Nêu thực trạng hiện nay vẫn còn 200.000 người có trình độ đại học không có việc làm, gây bức xúc trong xã hội và lãng phí nguồn lực, đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết giải pháp của ngành giáo dục trong thời gian tới về vấn đề này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, để giải quyết được một cách căn cơ vấn đề trên, giải pháp của Bộ GD&ĐT là sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua các giải pháp về quản trị nhà trường, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, cung cấp thông tin thị trường lao động và tự chủ đại học; tăng cường phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận tình trạng nhiều trường đại học, cao đẳng sau khi được thành lập thì có năng lực đào tạo kém, không thu hút được sinh viên. Bộ đã đi giám sát thực tế và đưa ra lộ trình trong khoảng từ 2 đến 5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.

Quan tâm tạo việc làm, tăng năng suất lao động

Chiều 6-6, thực hiện sự phân công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Báo cáo giải trình vào một số vấn đề cụ thể, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phổ thông, quản lý giáo dục mầm non và đạo đức, lối sống trong nhà trường, Chính phủ sẽ quyết liệt sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tự chủ tài chính, có lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ chi phí đối với dịch vụ giáo dục, y tế gắn với giải pháp hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo các định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành, đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng, hướng tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế…

Về thị trường lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng dạy nghề, chăm sóc bảo vệ trẻ em, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động, bảo đảm liên thông, minh bạch, gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Nâng cao năng suất lao động nội ngành và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoàn thiện hệ thống thông tin kết nối cung cầu thị trường lao động. Mở rộng thị trường lao động nước ngoài bền vững.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Chất vấn phó thủ tướng, đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) đặt câu hỏi về quyết tâm của Chính phủ trong chống tham nhũng thời gian tới? Việc chống tham nhũng có ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh?

Trả lời câu hỏi này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua, nhất là năm 2017 đã đạt kết quả căn bản, được đồng bào cử tri ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Chính vì vậy, năm 2017, Việt Nam vừa quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhưng vẫn thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Đề cập tới những nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn và giải quyết nút thắt tồn tại trong nền kinh tế, như: Đất đai, cổ phần hóa, tài chính ngân hàng, hải quan, công tác cán bộ… Cùng với đó, Chính phủ nghiêm túc thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Quan tâm tới vấn đề kiểm soát lạm phát, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) nêu thực trạng, năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng thấp dần về cuối năm nhưng bình quân 5 tháng của năm 2018, CPI đã tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước.

Giải thích về nguyên nhân CPI tăng trở lại, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là do tác động điều chỉnh tăng giá của giá xăng dầu theo giá thế giới tăng cao, giá thịt lợn hơi cũng tăng trở lại. Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết giá xăng dầu, không tăng mạnh như mức tăng giá thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng bình quân 25%, nhưng giá xăng trong nước mới điều chỉnh 9,3%. Ngoài ra, năm 2018, Chính phủ sẽ cân nhắc việc điều chỉnh giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý, Chính phủ cũng chỉ đạo giảm 80 loại dịch vụ y tế và tăng cường đấu thầu giá thuốc, vật tư y tế... để giảm giá thuốc. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, năm nay sẽ không tăng giá điện... "Với nhiều giải pháp đồng bộ, lạm phát có thể kiểm soát ở mức từ 3,72 - 3,94%, là mức giới hạn an toàn mà Quốc hội cho phép nếu không có vấn đề đột xuất xảy ra", Phó thủ tướng khẳng định.

Giải pháp phù hợp để thực hiện cải cách tiền lương

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nêu vấn đề, sau nhiều lần lỡ hẹn tăng lương, mới đây, Trung ương đã có nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương, vì vậy, cử tri quan tâm tới khả năng cân đối để cải cách tiền lương. Việc cải cách tiền lương này có làm tăng trần nợ công không?

Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có tính toán kỹ lưỡng để trình Bộ Chính trị, Trung ương thảo luận và quyết định. Mặc dù tăng lương không phải là toàn bộ vấn đề cải cách tiền lương nhưng là vấn đề cốt lõi và được quan tâm. Vì vậy, để tăng lương, giải pháp tiền đề là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương; biện pháp đột phá là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách; cùng với đó phải thực hiện giải pháp tài chính mà căn cơ nhất là đẩy mạnh sản xuất để tăng thu, chống thất thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu… dành tỷ lệ tăng thu để cải cách tiền lương. “Trong quá trình cân đối ngân sách để cải cách tiền lương, Chính phủ dựa vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững để tính toán phương án trả lương mà vẫn bảo đảm trần nợ công 65%, tính đến bội chi ngân sách, đầu tư cho xây dựng cơ bản, kiểm soát được chỉ số lạm phát. Nếu tăng lương gắn với tăng năng suất lao động, hiệu suất của bộ máy Nhà nước thì tác động tới CPI không lớn, vừa đáp ứng cải cách tiền lương vừa ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Đánh giá chung về 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của thành viên Chính phủ, các ngành trong việc trả lời chất vấn, trong chỉ đạo điều hành khắc phục được tồn tại hạn chế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-co-giai-phap-phu-hop-de-cai-cach-tien-luong-540772