Nâng cao chất lượng dự báo thời tiết

Độ chính xác của những bản tin dự báo thời tiết lâu nay là câu hỏi lớn đối với không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Theo PGS TS Nguyễn Viết Lành, Trưởng khoa Khí tượng, Thủy văn ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mặc dù rất cố gắng trong việc thu thập số liệu, đưa ra bản tin dự báo nhưng chỉ với một công cụ duy nhất là máy đo (trạm khí tượng) thưa thớt nên việc để lọt mất nhiều hiện tượng khí tượng, dự báo chưa chuẩn xác là điều đáng tiếc nhưng khó tránh khỏi.

Ngập lụt kinh hoàng vừa qua tại làng Bùi Xá, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). (Ảnh: TL).

Nhân lực chưa đáp ứng

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia, tính đến tháng 6 năm 2016, Trung tâm KTTV quốc gia có 3.141 người (công chức, viên chức trong biên chế sự nghiệp là 2.937 người, biên chế chế được định biên trong đơn vị tự chủ là 62 người, người lao động Hợp đồng theo Nghị định 68/CP là 73 người, hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên 69 người). Trong đó, có 20 người ở trình độ tiến sĩ, (chiếm 0,64%), thạc sỹ: 151 người (chiếm 4,81%); ĐH: 1233 người, chiếm (39,3 %), CĐ: 526 người (chiếm 16,7%), trung cấp: 883 người (chiếm 28,1%) và trình độ sơ cấp, công nhân là 328 người (chiếm 10,44%).

Về chất lượng, hiện tại nguồn nhân lực chất lượng cao (có trình độ từ thạc sĩ trở lên) chiếm tỉ lệ rất thấp trong cơ cấu nguồn nhân lực. Đặc biệt, trong số nhân lực có trình độ sau đại học, số người được đào tạo, tiếp nhận công nghệ cao của các nước tiên tiến khá khiêm tốn.

Về tỉ lệ phân bố, nguồn nhân lực chất lượng cao (viên chức có trình độ từ thạc sĩ trở lên) không đồng đều giữa các đơn vị và chủ yếu tập trung ở các đơn vị thuộc khối cơ quan trung ương, trong đó tập trung vào 2 đơn vị là Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và Trung tâm mạng lưới KTTV và môi trường. Trình độ tiến sĩ tập trung chủ yếu tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương (8/20).

Các đài KTTV khu vực nguồn nhân lực chủ yếu là trình độ ĐH, CĐ và trung cấp, trong đó đội ngũ quan trắc viên chủ yếu có trình độ là trung cấp và CĐ.
Một hạn chế nữa là nguồn nhân lực về KTTV, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông của các đơn vị được đào tạo bài bản và sử dụng được ngoại ngữ vào chuyên môn, nghiệp vụ chưa nhiều, nhất là các Đài KTTV khu vực.

Chia sẻ về việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, lãnh đạo Trung tâm cho biết mỗi năm có hàng trăm lượt công chức, viên chức đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn, đào tạo nâng cao trình độ dài hạn cả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên số lượng người được cử đi đào tạo dài hạn, chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đào tạo ở nước ngoài còn nhiều hạn chế.

Nâng cao chất lượng

Làm công tác giảng dạy và thường xuyên hướng dẫn sinh viên, học viên cao học đi thực tế, PGS. TS Nguyễn Viết Lành, Trưởng khoa Khí tượng, Thủy văn ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng với nguồn nhân lực hiện nay của ngành KTTV có thể nói là cơ bản đáp ứng được yêu cầu hiện tại của công việc, nhưng nếu yêu cầu về chất lượng và số lượng bản tin dự báo thì cần được tăng thêm.

Về chất lượng thì hiện nay ngành vẫn còn một số cán bộ chưa được đào tạo bài bản, hoặc có trình độ thấp so với yêu cầu nên cần được đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ.

“Hiện chỉ có khoảng 2% dự báo viên, kiểm soát viên có trình độ thạc sĩ. Về cơ bản thì vẫn đáp ứng được nhu cầu của ngành nhưng theo tôi cần tích cực hơn nữa công tác đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu” – PGS TS Nguyễn Viết Lành nêu quan điểm.

Thực tế tại Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội và nhiều cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành khí tượng thủy văn của cả nước, điểm đầu vào của sinh viên những năm gần đây chỉ bằng hoặc trên mức điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố từ 1-3 điểm. Với hướng đào tạo chú trọng thực hành để sinh viên không chỉ được làm quen với các phòng thực hành, thí nghiệm của nhà trường mà còn được cọ xát thực tế ngay trong quá trình học ĐH, PGS Lành cho rằng nếu đi học một cách nghiêm túc và có đầu tư thời gian, công sức chắc chắn sẽ nâng cao trình độ.

Nhấn mạnh đến vấn đề bồi dưỡng và đào tạo lại, đào tạo mới nguồn nhân lực, PGS Lành cho rằng hiện nay việc thu thập (bên ngành gọi là quan trắc) số liệu là một công việc vô cùng vất vả, nhất là khi có hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, bão… Trên cơ sở đó, sẽ phân tích và đưa ra bản tin dự báo là một công việc còn khó khăn hơn nhiều. Thực tế, có những ngày dự báo đúng không khó nhưng có những ngày xác suất 50-50 lại không hiếm. Những ngày đó cũng phải đưa tin chứ không dừng được.

 Lam Nhi 

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-du-bao-thoi-tiet-383080