NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỜI SỐNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

Hôm nay (7-6), tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Cũng tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Có thể thấy, tinh thần chung của các nội dung này đều hướng đến việc bảo đảm tốt hơn quyền lợi, điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất của người lao động luôn là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đặt lên hàng đầu. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao đời sống cho người lao động đã được ban hành và đạt được kết quả tích cực. Mức lương tối thiểu vùng hằng năm đều có sự điều chỉnh tăng đáng kể, giúp người lao động tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như có điều kiện để tái sản xuất sức lao động. Công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động cũng được các cấp, các ngành và bản thân doanh nghiệp, người sử dụng lao động quan tâm, giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, những nhu cầu bức thiết của người lao động như nhà ở, trường học cho con em, các thiết chế văn hóa, tinh thần cũng được đáp ứng ngày càng tốt hơn...

 Công nhân sản xuất hàng may mặc. Ảnh minh họa: TTXVN.

Công nhân sản xuất hàng may mặc. Ảnh minh họa: TTXVN.

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và xem xét phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 tại kỳ họp Quốc hội lần này là những nội dung quan trọng để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn. Các nội dung này đều nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo người dân và dư luận xã hội. Ví dụ như đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thì phải trả lời tốt những câu hỏi như: Mục đích quan trọng nhất của việc này là gì? Việc nâng tuổi nghỉ hưu có giúp cho chất lượng lao động Việt Nam tốt hơn không? Việc này có giúp người lao động tăng thêm tích lũy, hưởng lương hưu cao hơn khi hết tuổi lao động hay không? Đối với bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách pháp luật về lao động, quyền lợi của người lao động, đối tượng ảnh hưởng trực tiếp cần được xét đến đầu tiên và phải được bảo đảm tốt. Cùng với đó, cần tính đến những đặc thù về nghề nghiệp, loại hình lao động, sức khỏe của người lao động, nhu cầu của doanh nghiệp, tránh cào bằng trong việc thiết kế chính sách.

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", đó là cơ hội không phải lúc nào chúng ta cũng có được. Nếu không tận dụng thời cơ này, sẽ bỏ lỡ nguồn lực để đưa đất nước bứt phá, phát triển nhanh và bền vững. Khi nói đến cơ cấu "dân số vàng", yếu tố cần nhắc tới đầu tiên không chỉ là nguồn lao động dồi dào mà quan trọng hơn là năng suất, chất lượng lao động. Lời giải cho bài toán tăng năng suất lao động không chỉ nằm ở trình độ, kỹ năng lao động mà còn nằm ở sự quan tâm, chăm lo người lao động. Môi trường lao động tốt, an toàn, chế độ đãi ngộ tốt sẽ giúp người lao động tái tạo sức lao động, yêu công việc, yêu công ty, yêu cơ quan hơn, làm việc tốt hơn, từ đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển không ngừng của đất nước.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nang-cao-chat-luong-doi-song-nguoi-lao-dong-576028