Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở

Để công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi tại địa phương thật sự vững mạnh, hiệu quả, tránh sa vào hình thức, khô khan, bên cạnh các phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng... thì công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ Đoàn ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Đoàn viên, thanh niên xã Đình Lập, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Mặc dù các cấp bộ Ðoàn đã có những nỗ lực nhất định, nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn cơ sở vẫn là "bài toán" khó, phức tạp. Trong đó, một số vấn đề gây ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của đoàn cơ sở như: lực lượng đoàn viên, thanh niên mỏng, nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn thiếu sáng tạo; thậm chí, nhiều tổ chức cơ sở đoàn còn nhầm lẫn giữa "họp" và "sinh hoạt", khiến các buổi sinh hoạt chi đoàn trở nên khô khan, khiến đoàn viên, thanh niên thờ ơ, bỏ sinh hoạt. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ cán bộ đoàn còn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) quá cứng nhắc, rập khuôn; phương thức hoạt động của tổ chức đoàn cơ sở còn hình thức, chiếu lệ, chưa phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của ÐVTN; công tác quản lý thiếu chặt chẽ, buông lỏng và dần bị "thả trôi"...

Hiện nay, tại nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ đoàn thường là kiêm nhiệm chức danh, cho nên kinh nghiệm hoạt động còn hạn chế, thiếu kỹ năng phong trào thực tiễn. Cùng với đó, quy trình tuyển chọn cán bộ đoàn có nhiều bất cập. Việc chọn nguồn, đào tạo, đánh giá, đề bạt, xây dựng cán bộ đoàn "có tâm, có tầm" chưa được chú trọng, thiếu chuyên nghiệp và không thành hệ thống. Vì vậy, nhiều cán bộ Ðoàn không được đào tạo theo chuẩn, mà chỉ tự mày mò làm phong trào để dần tích lũy kinh nghiệm. Trong khi đó, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Bí thư đoàn cơ sở lại đơn điệu, dàn trải, nặng về lý thuyết; đội ngũ báo cáo viên kỹ năng truyền đạt còn hạn chế, máy móc, kiến thức chưa toàn diện... Dẫn tới việc lớp bồi dưỡng trở thành "đến hẹn lại lên", cán bộ Ðoàn sau bồi dưỡng không thể vận dụng những gì đã học vào thực tế, chất lượng sinh hoạt của tổ chức đoàn cơ sở tiếp tục "dậm chân tại chỗ".

Thực tế cho thấy, tổ chức Ðoàn ở địa phương, đơn vị nào nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, thì nơi đó hoạt động công tác Ðoàn và phong trào thanh niên thường để lại dấu ấn sâu sắc, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, dù "thủ lĩnh thanh niên" có trình độ, nhiệt huyết, cống hiến... nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng năng lực, thậm chí bị cấp ủy coi như "giúp việc", hay cán bộ "chạy giấy tờ"(!?). Trái với chủ trương trọng dụng nhân tài mà Ðảng và Nhà nước luôn chú trọng, tình trạng nêu trên khiến những cán bộ đoàn, đáng lẽ được tạo điều kiện phát triển - dần chán nản, nhụt chí dẫn tới sự "phai Ðoàn" rất đáng ngại hiện nay.

Xã Háng Ðồng, huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) là địa phương đặc biệt khó khăn, với địa hình đồi núi trùng điệp. Tổ chức Ðoàn cơ sở xã Háng Ðồng có chín chi đoàn, với tổng cộng 206 đoàn viên đều là đồng bào dân tộc Mông. Nhận thấy tình trạng khô khan, thiếu hấp dẫn, ít hiệu quả trong hoạt động của các chi đoàn, đồng chí Thào A Lo, Bí thư Ðoàn xã đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhằm chuyển đổi mô hình thu hút, tập hợp thanh niên. Anh Lo kiên trì vận động, hướng dẫn các chi đoàn thành lập các câu lạc bộ, tổ, đội... phù hợp nguyện vọng, thế mạnh riêng. Kết quả, các câu lạc bộ "Thanh niên bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái", "Giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông", nhiều đội văn nghệ, tổ phong trào thanh niên... lần lượt ra đời. Khi phong trào hoạt động của các câu lạc bộ, tổ đội nói trên đi vào nền nếp, được cấp ủy địa phương tạo điều kiện, anh Thào A Lo tổ chức giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ giữa các câu lạc bộ, tổ, đội... và kết hợp tuyên truyền một cách khéo léo, đều đặn. Nhờ đó, hoạt động của các chi đoàn tại địa phương ngày càng chuyển biến tích cực.

Đây là một thí dụ về công tác tổ chức, triển khai phong trào thanh niên ở cơ sở được kết hợp khéo léo giữa "công thức" và "thực hành". Trong đó, một trong những điểm quan trọng nhất làm nên thành công của tổ chức Ðoàn là, thực hiện tốt công tác vận động thanh niên, giúp các bạn trẻ hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia các phong trào. Cán bộ Ðoàn các cấp từ trung ương tới cơ sở phải thật sự gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng ÐVTN trong địa bàn phụ trách, từ đó xây dựng mục tiêu, kế hoạch tổ chức phong trào phù hợp. Ðồng thời, cần tiếp tục đổi mới hình thức, mô hình hoạt động, tập hợp ÐVTN, chú trọng vào yêu cầu, nhu cầu thực tiễn, cụ thể, tránh rập khuôn, máy móc khiến ÐVTN chán nản, thờ ơ, phai nhạt niềm tin đối với tổ chức Ðoàn.

Bài và ảnh: LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36019702-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-doan-co-so.html