Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chiến lược, chiến dịch của quân đội

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: 'Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài'.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII nêu cụ thể quan điểm: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, chiến dịch (CL, CD) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự vững mạnh và phát triển của quân đội, quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến đấu thắng lợi... Do vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ CL, CD của quân đội có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên. Muốn vậy, các cấp phải quán triệt và nắm vững các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ; chấp hành nghiêm túc, thực chất nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện từng khâu, từng bước cụ thể trong tiến hành công tác cán bộ.

Trước hết, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc, là kỷ luật của mọi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; phải kết hợp đúng đắn chế độ lãnh đạo tập thể với phát huy trách nhiệm cá nhân, dân chủ với tập trung. Trước khi quyết định nhân sự về cán bộ, phải thực hiện đúng quy định tham khảo ý kiến của các cấp, các ngành có liên quan bằng việc thăm dò ý kiến phù hợp với từng đối tượng.

Để việc lựa chọn cán bộ CL, CD bảo đảm chất lượng, cần rà soát bổ sung xây dựng quy chế thống nhất, quy định rõ tiêu chí cán bộ cho từng cấp, từng lĩnh vực hoạt động; quy định rõ các điều kiện phải có như: Chức vụ đã qua, quân hàm, học hàm, học vị, tuổi đời; quy định về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, kết quả nhiệm vụ, khen thưởng, kỷ luật… Điều động cán bộ về công tác tại các cơ quan cấp CL, CD phải bảo đảm chặt chẽ về việc thẩm tra, xác minh lựa chọn cán bộ. Các cơ quan chức năng, trực tiếp là cán bộ được phân công thẩm tra, xác minh phải thực sự tâm huyết, phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy trình, trực tiếp gặp gỡ trao đổi, thông qua cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, cơ quan cán bộ, cơ quan bảo vệ an ninh… để có kết luận chính xác về phẩm chất, năng lực, nhất là năng lực chuyên môn theo hướng mà cán bộ sẽ đảm nhiệm; thực hiện nghiêm chế độ trách nhiệm đối với cán bộ được cử đi thẩm tra, xác minh.

Đánh giá, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ là nội dung lớn, có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ công tác cán bộ, quyết định trực tiếp đến chất lượng cán bộ CL, CD; là vấn đề cơ bản, hệ trọng, là điểm xuất phát và là cơ sở để làm tốt các khâu khác trong công tác cán bộ. Cần thực sự dân chủ hóa trong đánh giá cán bộ, mọi ý kiến đều cần được lắng nghe, trên tinh thần nói thẳng, nói thật những mặt mạnh, mặt yếu, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ. Chú trọng kiện toàn hệ thống các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; trung thực, liêm chính, công tâm, khách quan; có năng lực nhận xét, đánh giá cán bộ và phát hiện nhân tài.

Một yếu tố hết sức quan trọng là cần nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ CL, CD, trước hết là nâng cao chất lượng chính trị; trong đó, tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị của cán bộ thật sự kiên định vững vàng, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có năng lực đề xuất những chủ trương, giải pháp đúng đắn, sáng tạo, trước hết là các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP); gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để xây dựng cho từng cán bộ có động cơ cách mạng trong sáng, “có tâm, có tầm”, mẫu mực về phẩm chất, lối sống, được thể hiện ở sự khát khao cống hiến, luôn tận tâm, tận lực với nhiệm vụ; nghiêm khắc với bản thân, có tấm lòng bao dung, tình yêu thương đồng chí, đồng đội sâu sắc; không ích kỷ hẹp hòi vì danh lợi cá nhân… Cùng với đó, phải luôn coi trọng lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực làm giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, làm xói mòn bản chất cách mạng, động cơ phấn đấu của đội ngũ cán bộ. Những phẩm chất trên của đội ngũ cán bộ CL, CD phải thường xuyên được giáo dục, rèn luyện ngày càng đạt đến độ bền vững cao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Về trí tuệ và năng lực thực tiễn, cần tổ chức tốt các hoạt động học tập, nghiên cứu ở từng cơ quan, đơn vị về đường lối, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ QP, QS… của Đảng, của quân đội trong tình hình mới; trang bị cho đội ngũ cán bộ CL, CD nhận thức sâu sắc các vấn đề cơ bản của tư duy logic, tư duy biện chứng, tính quy luật của các sự vật, hiện tượng; có khả năng phân tích sáng rõ các diễn biến chính trị trong nước, khu vực, quốc tế, nhận rõ mâu thuẫn và chiều hướng phát triển trong hiện tại và tương lai để tiếp nhận, chuyển hóa theo đúng quan điểm của Đảng.

Gắn với quá trình trên, cần có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ CL, CD nhận thức sâu sắc đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, về mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), có sự quản lý của Nhà nước... Về lĩnh vực khoa học-công nghệ, phải luôn quan tâm bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ cấp CL, CD tiếp cận và làm chủ được những tri thức mới về kỹ thuật-công nghệ quân sự ở từng lĩnh vực liên quan, nhất là về tính năng, kỹ chiến thuật của các loại vũ khí trang bị (VKTB) hiện có, sẽ có; VKTB của quân đội các nước thuộc đối tượng tác chiến, của quân đội các nước trong khu vực; nghiên cứu tính chất, đặc điểm, âm mưu thủ đoạn, phương thức tác chiến của các cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao gần đây…

Về khả năng tư duy, cần đặt ra các yêu cầu và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ CL, CD hướng vào lý giải sâu sắc đặc điểm của lĩnh vực QP, QS của đất nước trong xu thế toàn cầu hóa; đóng góp trí tuệ, tài năng vào hoàn thiện đường lối và phát triển khoa học quân sự, nhất là khoa học nghệ thuật quân sự; giải quyết có hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra về xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh quốc phòng bằng sức mạnh tổng hợp của cả kinh tế, chính trị-tinh thần, khoa học-công nghệ, đối ngoại, an ninh và quân sự; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT nhân dân.

Phải không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cấp CL, CD; đặc biệt là bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện trang bị cho đội ngũ cán bộ này giỏi ứng biến, mưu lược và quyết đoán chính xác, dám chịu trách nhiệm; nhất là trong các tình huống khó khăn, phức tạp.

Rèn luyện cán bộ bằng biện pháp tổ chức, luân chuyển là chủ trương quan trọng của Đảng, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đối với Đảng bộ Quân đội, việc bố trí sử dụng hợp lý cán bộ cấp CL, CD cần tạo mọi điều kiện để cán bộ được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tiễn và thông qua thực tiễn để khẳng định đức, tài; để cán bộ phát huy trình độ, năng lực và khẳng định vai trò trách nhiệm; đồng thời tạo điều kiện tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy. Đối tượng cán bộ cần luân chuyển hiện nay cần hướng vào các cơ quan cấp CL, CD, viện nghiên cứu, các học viện, nhà trường… nơi tập trung nhiều cán bộ cấp cao, chuyên gia đầu ngành và nghiên cứu giảng dạy. Mặt khác, cần luân chuyển cán bộ chủ trì các đơn vị cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và giữa các địa bàn, vùng, miền để giúp cho cán bộ có tầm nhìn bao quát và khi được đề bạt lên các cương vị cao hơn, có điều kiện nhanh chóng hoàn thiện các phẩm chất và năng lực cần thiết, hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ được giao. Đây cũng là bài học về luân chuyển để giáo dục, rèn luyện, thử thách cán bộ rút ra từ các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, của các tổ chức chính trị-xã hội và toàn dân, trong đó LLVT làm nòng cốt, song trước hết phải bắt đầu từ “cái gốc” là đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội nói chung, cán bộ CL, CD nói riêng. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung giải pháp thực sự khoa học, quy trình, bước đi sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả.

Đại tá DƯƠNG VĂN THỰC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-chien-luoc-chien-dich-cua-quan-doi-541633