Nâng cao chất lượng dịch vụ sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, tại các địa phương trong tỉnh, dịch vụ sản xuất nông nghiệp đang phát triển mạnh, giúp giảm chi phí, thời gian, công sức cho nông dân và góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp.

HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng (Thiệu Hóa) thực hiện dịch vụ làm đất cho bà con xã viên.

Những năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa đã chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Hằng năm, HTX làm dịch vụ cung ứng hơn 40 tấn phân bón các loại, gần 4 tấn lúa giống cho nông dân. Đồng thời, tổ chức làm đất cấy lúa cho hơn 130 ha, bảo đảm nước tưới cho 280 ha đất sản xuất nông nghiệp đúng khung thời vụ và làm dịch vụ thu hoạch lúa cho nhân dân. Ngoài ra, HTX đã phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa Kim Cô Nương trong nhà màng cho 5 hộ với tổng diện tích 5.000m2. Trong đó, đã có 2 hộ xã viên triển khai thực hiện sản xuất trên diện tích 1.000m2/hộ, tổng chi phí đầu tư ước tính khoảng 400 triệu đồng/hộ/1.000m2. Ông Hoàng Văn Thông, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, cho biết: Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, HTX đã chủ động xây dựng phương án dịch vụ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và dịch vụ đầu ra cho nông sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Trong vụ đông xuân năm 2019 - 2020, HTX đã chủ động đầu tư vật tư nông nghiệp cung ứng cho bà con nông dân trong và ngoài thị trấn. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở sản xuất mạ khay phục vụ gieo cấy lúa cho bà con xã viên. Tích cực hỗ trợ, vận động người dân, các hộ xã viên đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 630 HTX dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động. Các loại hình dịch vụ nông nghiệp được các HTX dịch vụ nông nghiệp cung ứng, như: Giống, vật tư, phân bón, tưới tiêu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, các HTX đã chủ động tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; trong đó, có 434 HTX tham gia liên kết sản xuất, chiếm 68,9% số HTX nông nghiệp toàn tỉnh (tập trung chủ yếu ở các HTX thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới). Các HTX này đều có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - HTX - hộ sản xuất; chủ động tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản; ký kết thỏa thuận với các hộ sản xuất để bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 tổ hợp tác làm các khâu dịch vụ nông nghiệp hoạt động ổn định, thường xuyên, liên tục. Căn cứ vào nhu cầu của người dân, các thành viên trong tổ hợp tác, tổ chức các tổ đổi công theo mùa vụ, phục vụ sản xuất và thu hoạch nông sản, như: Tổ gặt đập, tổ vận tải, tổ khai thác.

Việc nâng cao chất lượng các dịch vụ sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-dich-vu-san-xuat-nong-nghiep/113157.htm