Nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, với nhiều phương thức, loại hình đa dạng, phong phú. Điều này đã và đang góp phần quan trọng trong việc định hướng canh tác cho bà con nông dân; đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.

Các thành viên trong HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) chuẩn bị giá thể sản xuất mạ khay.

Nhiều năm nay, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trên địa bàn. Có được sự tin tưởng đó là do HTX không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, luôn đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp. Qua đó, cùng với việc đưa các giống cây trồng mới đạt năng suất, chất lượng cao, phù hợp với bộ cơ cấu giống, HTX luôn chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm, rau an toàn cho người dân.

Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên HTX luôn nhận được nhiều hợp đồng và đơn hàng cung cấp dịch vụ từ các doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, HTX đang cung cấp dịch vụ mạ khay máy cấy cho hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn xã Thọ Hải, phát triển mô hình trồng rau an toàn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 10 ha. Liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân.

Bà Lê Thị Như, xã Thọ Hải, cho biết: Ngoài việc cung cấp nguồn giống bảo đảm chất lượng, đúng với bộ cơ cấu cây trồng, cán bộ kỹ thuật của HTX còn trực tiếp hướng dẫn gia đình bà về quy trình, kỹ thuật sản xuất; đồng thời, chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Nhờ đó, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên diện tích sản xuất nông nghiệp của gia đình và nhiều xã viên khác luôn ổn định.

HTX nông nghiệp Công Chính, xã Công Chính (Nông Cống) đảm nhiệm cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho gần 300 ha đất sản xuất lúa và hoa màu trên địa bàn. Do hầu hết diện tích trồng lúa của xã đều nằm trong vùng khó tưới, nguy cơ khô hạn cao, nên những năm qua, cùng với việc làm tốt dịch vụ giải phóng đất, cung ứng giống và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân trên địa bàn xã, HTX nông nghiệp Công Chính luôn chú trọng bảo đảm dịch vụ cấp nước phục vụ sản xuất. Theo đó, cùng với việc đầu tư, nâng cấp, bảo dưỡng các trạm bơm điện, máy bơm dầu, HTX luôn cắt cử cán bộ trực 24 giờ/7 ngày tại các điểm đầu mối lấy nước, dẫn nước vào các kênh mương, từng khu ruộng, bảo đảm cung cấp nước tưới kịp thời, phục vụ bà con nông dân sản xuất. Nhờ đó, với 5 trạm bơm điện và 4 máy bơm dầu dã chiến, nhiều năm liền, HTX nông nghiệp Công Chính không để xảy ra tình trạng khô hạn và thiếu nước phục vụ giải phóng đất, gieo mạ và cấy.

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 673 HTX đang cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, với các loại hình dịch vụ, như: giống, vật tư, phân bón, tưới tiêu, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Những năm qua, do không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, các HTX này đều có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - HTX - hộ dân để sản xuất, chủ động tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/nang-cao-chat-luong-dich-vu-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep/129648.htm