Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

Mạng lưới bệnh viện của nước ta hiện có hơn 1.400 cơ sở (từ tuyến Trung ương đến huyện, bệnh viện ngành và tư nhân) đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay, việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB là đòi hỏi chính đáng của người dân và là việc làm thường xuyên của chính các bệnh viện.

Theo Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, ngành y tế và các bệnh viện đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể trong việc nâng cao chất lượng KCB, từ việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Ðáng chú ý, với việc áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và làm thay đổi sự nhìn nhận và đánh giá của người dân về hệ thống KCB. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh (hơn một triệu phiếu khảo sát) cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh điều trị nội trú là 75,6%; người bệnh điều trị ngoại trú là 66,3%. Kết quả khảo sát độc lập của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam phỏng vấn qua điện thoại sau khi ra viện đối với 3.000 người bệnh thì kết quả hài lòng là 79,6%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng cho thấy người dân hài lòng hơn về dịch vụ y tế công.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm về chất lượng dịch vụ KCB tại các bệnh viện ở mức thấp, trong khi nhu cầu của người dân lại tăng cao, đòi hỏi bệnh viện cần tập trung hơn nữa các biện pháp nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ này. Theo chỉ thị của Bộ trưởng Y tế về các giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB thì các bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 2151/QÐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện "Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" bằng việc đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện. Bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, nhất là lúc cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh.

Ðáng chú ý, đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính thì các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần bảo đảm đủ thuốc, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn để làm tốt việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính.

Các bệnh viện đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và thời gian chờ khám bệnh. Ði liền với đó là công tác truyền thông, vận động để người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám vào buổi sáng; đối với người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính trong trường hợp chỉ đến khám để cấp thuốc hoặc cho đơn thuốc, không phải thực hiện xét nghiệm cần hướng dẫn và hẹn khám vào buổi chiều để giảm áp lực tại bệnh viện. Bệnh viện tuyến trên tập trung KCB theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được.

Thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải, trường hợp quá tải cần chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, hoặc sang các cơ sở KCB khác. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thật sự quá tải; không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao. Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú... Chú trọng công tác dinh dưỡng, tiết chế, kiểm soát nhiễm khuẩn; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Ðiều trị của bệnh viện; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm các tai biến, sự cố y khoa...

Mặt khác các bệnh viện tuyến trên tăng cường thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo mô hình bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ y tế về tuyến cơ sở... Thực hiện đúng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định 316/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/37468802-nang-cao-chat-luong-dich-vu-kham-chua-benh.html