Nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao Bát Xát

Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc vận động trẻ em đến lớp và bảo đảm chất lượng dạy và học đang là vấn đề nan giải. Vì vậy, các thầy, cô giáo ở đây đang nỗ lực tuyên truyền, vận động cha mẹ và học sinh di chuyển từ các điểm trường lẻ về trường chính để tập trung nguồn lực chăm lo cuộc sống và nâng cao chất lượng dạy và học.

Giờ học ngoại khóa tại Trường tiểu học Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai).

Chúng tôi đến Trường tiểu học Trịnh Tường đúng vào giờ học ngoại khóa. Hơn 700 học sinh người dân tộc thiểu số Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì gọn gàng trong trang phục học đường, tươi vui và khỏe khoắn trong bài tập thể dục nhịp điệu, rèn luyện thể chất. Hỏi chuyện, em Chảo Lở Mẩy, học sinh lớp 4, ở thôn Tùng Chỉn 2, tỏ ra phấn khởi: “Chuyển từ điểm trường lẻ về trường chính, chúng em được ở bán trú, không phải đi bộ nhiều như trước; được ăn cơm tập thể, học ngoại khóa rèn luyện thể chất, sinh hoạt văn nghệ, vui và bổ ích. Nhờ được tiếp xúc với nhiều thầy cô giáo và bạn bè cho nên chúng em học tiếng Việt tốt hơn nhiều”.

Điểm trường lẻ Tùng Chỉn 2 nằm cách xa trường chính hơn 12 km, đi lại rất khó khăn do phải vượt qua nhiều con suối và đèo dốc nguy hiểm. Tại điểm trường này, có 12 học sinh là người dân tộc Dao theo học. Trường tiểu học Trịnh Tường phải bố trí hai giáo viên “bám điểm trường” để dạy học. Lớp học tạm bợ, học sinh ít, lại cheo leo trên núi cao, cho nên học sinh có tâm lý không muốn đi học. Tuy nhiên, để đưa học sinh tập trung về trường chính lại không dễ, do tâm lý cha mẹ học sinh ngại xa, con cái còn nhỏ, lo lắng về nơi ăn, chốn ở khi các cháu phải xa nhà…

Cô giáo Hứa Tuyết Sinh, người đã kiên trì lặn lội đến từng nhà trong bản để tuyên truyền, vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ đưa con em về trường chính học tập kể lại cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm khó quên. Ban ngày, đồng bào thường lên nương rẫy, ruộng bậc thang để sản xuất, vì thế, cô giáo Sinh phải một mình chống gậy, trùm áo mưa để chống sương rét, đến từng nhà vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Có gia đình thì nhanh hiểu ra cái lợi đưa con em về trường chính nên đồng thuận, nhưng cũng có gia đình phải qua “năm lần bảy lượt” mới đồng ý.

Cô giáo Sinh nhớ nhất những lần kiên trì bám bản, bám phụ huynh để vận động ông Vàng Văn Phủng cho con gái về trường chính, ở bán trú để học tập tốt hơn. Biết ông Phủng có ý tránh mặt, không gặp được ở nhà, cô giáo Sinh tìm gặp trên nương, khi ông đang làm thảo quả (một loại dược liệu quý). Cảm động trước tình thương của cô giáo với con mình, ông Phủng đã tự tay đưa con xuống trường chính học tập. Cứ thế, bằng trách nhiệm với công việc và tấm lòng yêu thương học sinh, các thầy, cô giáo “cắm bản” của Trường tiểu học Trịnh Tường đã tuyên truyền, vận động các phụ huynh đồng thuận, giúp đỡ đưa học sinh ở các điểm trường lẻ, ít học sinh, đi lại khó khăn về trường chính học tập.

Thầy Phạm Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trịnh Tường cho biết, sau khi gặp gỡ, tuyên truyền, vận động các thầy giáo, cô giáo cắm bản ở các điểm trường lẻ phối hợp trưởng thôn định ngày họp ba bên, gồm: phụ huynh, nhà trường và trưởng thôn để thống nhất đưa học sinh về trường chính. Tiếp đó, Ban giám hiệu tham mưu, phối hợp lãnh đạo xã lên kế hoạch cụ thể về thời gian, điểm trường cần sáp nhập, theo phương châm ưu tiên những điểm trường ở xa trung tâm, có ít học sinh, đi lại khó khăn. Nhờ vậy, đến nay Trường tiểu học Trịnh Tường đã sắp xếp được ba điểm trường lẻ, đó là: Tùng Chỉn 1, Tùng Chỉn 2 và Suối Tả Hồ; đưa 37 học sinh dân tộc thiểu số về trường chính.

Thực hiện Quyết định 2760/QĐ-UBND, ngày 27-8-2015 của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030, trong những năm vừa qua, huyện Bát Xát tích cực, chủ động sắp xếp hệ thống trường, lớp học trên địa bàn.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, điều quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận, vào cuộc của người dân, nhà trường và chính quyền địa phương. Lãnh đạo huyện giao UBND các xã, thị trấn chủ trì rà soát, xây dựng kế hoạch của đơn vị, để triển khai thực hiện kế hoạch, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế của từng trường, từng xã, thôn bản và từng đối tượng học sinh.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, năm học 2015- 2016, huyện Bát Xát đã sáp nhập 18 trường thành tám trường; sáp nhập 35 điểm trường lẻ của mầm non và tiểu học, đưa 892 học sinh lớp 4 và lớp 5 ở điểm trường lẻ về điểm trường chính. Năm học 2016-2017, Bát Xát sáp nhập hai trường tiểu học thành một trường tiểu học; tiếp tục đưa 1.520 học sinh lớp 4, lớp 5 về học tại trường chính. Năm học 2017-2018, đã sáp nhập sáu trường thành ba trường.

QUỐC HỒNG và HỒNG THẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/34561502-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-o-vung-cao-bat-xat.html